Phát triển y tế tư nhân ở Đông Nam Á

.

Ở những nước nghèo tại khu vực Đông Nam Á, các tổ chức tư nhân đang nỗ lực tham gia vào hoạt động y tế, nhất là mảng cấp cứu.

Dịch vụ y tế tư nhân ở Phnom Penh.
Dịch vụ y tế tư nhân ở Phnom Penh.

Kinh tế Lào đang ngày càng phát triển nên người dân có ô-tô và xe máy nhiều hơn. Nếu như ở thủ đô Vientiane vẫn giữ được sự thanh bình thì ở vùng ngoại ô lại hết sức ồn ào, bát nháo. Nhiều người chạy xe với tốc độ cao, vượt ẩu, thậm chí trong tình trạng say xỉn. Sebastien Perret là người đồng sáng lập đơn vị mang tên Cứu hộ Vientiane cho biết lý do đơn giản ra đời đơn vị này là vì thủ đô Lào vẫn chưa có dịch vụ cấp cứu. Cứu hộ Vientiane lập 4 trạm ở thủ đô và 270 tình nguyện viên đã tham gia cứu hộ khoảng 700 vụ tai nạn mỗi tháng. Nhiều thành viên đã phải làm việc thâu đêm song không một lần than thở. Đâu chỉ ở Lào, ngay cả thủ đô Bangkok của Thái Lan đông đúc người dân, khi có tai nạn trên đường thì tình nguyện viên có mặt sơ cứu trước khi xe cứu thương với đầy đủ trang thiết bị xuất hiện.

Xe cứu thương và dịch vụ cấp cứu là khoảng trống rất lớn trong hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng ở Đông Nam Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chính phủ các nước ở khu vực Đông Nam Á phân bổ trung bình khoảng 4% GDP cho ngân sách y tế. Đó là con số quá thấp so với các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế như New Zealand, Na Uy, Chilê hay Czech. Không chỉ các tổ chức phi chính phủ mà doanh nghiệp tư nhân đang tìm cách lấp đầy khoảng trống này. Công ty tư vấn Deloitte viết trong báo cáo về y tế công cộng khu vực Đông Nam Á như sau: “Trong lúc khu vực y tế công cộng ở Đông Nam Á đang vật lộn với vấn đề tăng trưởng và tài trợ thì thị trường chăm sóc sức khỏe tư nhân tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt ở Singapore, Malaysia và Thái Lan”.

Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Frost và Sullivan nhận định thị trường chăm sóc y tế Đông Nam Á sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm nay bởi vì một khi người dân có cuộc sống sung túc hơn thì họ bắt đầu nghĩ tới việc chăm sóc sức khỏe kỹ càng hơn. Bệnh viện Sunrise Nhật Bản ở thủ đô Phnom Penh khánh thành hồi tháng 9 năm ngoái với tổng chi phí đầu tư 35 triệu USD là cách đón đầu nhu cầu người dân thủ đô Campuchia đi du lịch kết hợp chữa bệnh ở Việt Nam, Thái Lan hay Singapore. Dịch vụ cấp cứu S.O.S quốc tế có mặt ở Myanmar từ 2015 cũng hoạt động hiệu quả khi tham gia cấp cứu khoảng 9.000 ca mỗi năm. Một khi hệ thống chăm sóc y tế công cộng còn thiếu và yếu thì đây là “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp tư nhân khai thác vì sức khỏe con người.

A.T (Theo Southeast Asia Globe)

;
.
.
.
.
.