Cuộc gặp gỡ giữa tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Versailles ngày 29-5 (giờ địa phương) được cho là phép thử quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau khi người đứng đầu Điện Elysee cam kết có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Ukraine và Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) muốn thiết lập mối quan hệ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP/AFP |
Theo hãng AP, chuyến thăm Pháp của Tổng thống Vladimir Putin nhằm thiết lập mối quan hệ với Tổng thống Emmanuel Macron trong lúc Nga muốn hàn gắn rạn nứt với phương Tây. Điện Kremlin cũng cho rằng, chuyến thăm là cơ hội để ông Putin và ông Macron hiểu về quan điểm lẫn nhau xung quanh các vấn đề vẫn còn bất đồng, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine, nội chiến ở Syria và mối quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU).
Việc ông Macron mời nhà lãnh đạo Nga sang thăm là động thái gây ngạc nhiên sau khi ông chủ Điện Elysee bày tỏ quan điểm cứng rắn về Mátxcơva trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Lúc đó, quan điểm của ông Macron trái ngược hẳn với các đối thủ như ứng viên cực hữu của đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen và ứng viên bảo thủ Francois Fillon. Cả bà Le Pen lẫn ông Fillon đều kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Không những thế, trong lúc Quốc hội Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở cường quốc này, hồi tháng 2 vừa qua, các trợ lý của Macron cũng cho rằng Mátxcơva đã can thiệp vào chiến dịch của ông bằng việc tấn công mạng và tung tin giả. Tuy nhiên, Nga kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc từ Mỹ và Pháp. Còn trong vấn đề Syria, Nga và Pháp luôn ở “hai chiến tuyến”, Mátxcơva ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, còn Paris ủng hộ lực lượng phiến quân tìm cách lật đổ ông Assad.
Vì vậy, theo các nhà phân tích, chuyến công du này là cơ hội để Tổng thống Putin cải thiện quan hệ với Pháp vốn trở nên xấu đi trong nhiệm kỳ Tổng thống Francois Hollande. Tổng thống Putin cũng hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch từ trước vào hồi tháng 10 năm ngoái sau khi ông Hollande tuyên bố sẽ chỉ gặp ông để thảo luận vấn đề Syria.
Tại hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) ở đảo Sicily của Ý cuối tuần qua, Tổng thống Macron nói rằng sẽ không “nhượng bộ” Nga trong vấn đề Ukraine khi ông và những người đồng cấp trong khối chuẩn bị gia tăng các biện pháp trừng phạt Mátxcơva. Phương Tây vốn cáo buộc Nga không tuân thủ cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk nhằm kết thúc giao tranh giữa lực lượng chính phủ Kiev với phiến quân ở đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Macron khẳng định đối thoại với Nga là thiết yếu trong việc giải quyết hàng loạt bất đồng.
Việc Nga và Pháp mở cánh cửa đối thoại là bước tiến lớn của hai nước từng là đối tác thương mại chủ chốt của nhau, với kim ngạch thương mại song phương đạt đến hơn 22 tỷ USD. Ngày 29-5, Đại sứ Nga tại Paris, ông Alexander Orlov, bày tỏ hy vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ đầy nụ cười, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của “mối quan hệ rất tốt đẹp và lâu dài”. Phát biểu trên đài Europe 1, ông Orlov tin rằng, Tổng thống Macron sẽ “linh hoạt hơn” trong vấn đề Syria và Tổng thống Putin chắc chắn sẽ mời nhà lãnh đạo 39 tuổi của Pháp thăm Mátxcơva. “Nhiều điều trong tương lai sẽ phụ thuộc vào cuộc gặp gỡ đầu tiên này”, ông Orlov nói.
Jacques Audibert, cựu trợ lý ngoại giao của ông Hollande, gọi đây là “cơ hội chính trị tuyệt vời” để làm “tan băng” quan hệ giữa hai nước. Theo các nhà phân tích, dẫu sự kiện lần này là “phép thử” nhưng sẽ mở ra một trang mới - như kỳ vọng của ông Orlov; từ đó thúc đẩy Nga và Pháp, hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hợp tác để đương đầu với những thách thức của toàn cầu.
PHÚC NGUYÊN