Cuộc bầu cử tổng thống ở Iran ngày 19-5 được xem là phép thử đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm Hassan Rouhani và những nỗ lực của ông trong việc xây dựng lại mối quan hệ giữa Tehran với thế giới, đồng thời cải thiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Với những chính sách ngoại giao ôn hòa, Tổng thống Hassan Rouhani đã mở cánh cửa của Iran ra thế giới. Ảnh: AFP |
Nhà lãnh đạo tối cao, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei - người có quyền lực nhất ở Iran, nhấn mạnh tính chất quan trọng của cuộc bỏ phiếu. “Cuộc bầu cử rất quan trọng và số phận của đất nước đang nằm trong tay mọi người”, ông Khamenei nói.
Hãng AP gọi sự kiện bầu cử tổng thống là cuộc trưng cầu dân ý đối với các chính sách ôn hòa của đương kim Tổng thống Hassan Rouhani, vốn mở đường cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 7-2015 giữa Iran với các cường quốc P5+1. Đây là cuộc đua giữa 4 ứng cử viên, trong đó nổi bật nhất là Tổng thống 68 tuổi Rouhani thuộc phe ôn hòa theo đường lối cải cách và đại giáo chủ 56 tuổi Ebrahim Raisi thuộc phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn. Hai ứng cử viên còn lại là cựu Bộ trưởng Công nghiệp Mostafa Hashemitaba (70 tuổi), chủ trương ủng hộ cải cách và cựu Bộ trưởng Văn hóa Mostafa Mirsalim (69 tuổi).
Báo chí Iran đề cập nhiều đến ông Raisi và cho rằng vị đại giáo chủ này là thách thức lớn nhất của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rouhani. Ông Raisi thân thiết với nhà lãnh đạo tối cao Khamenei, người cam kết chống nghèo đói và tham nhũng. Ông Khamenei ca ngợi Raisi là một người “đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm”. Điều này làm dấy lên những đồn đoán ông Raisi có thể kế nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao từ ông Khamenei.
Phát biểu khi bỏ phiếu ở miền nam Iran, ông Raisi nói rằng, cần tôn trọng sự lựa chọn của cử tri. Ông hướng đến sự ủng hộ của cử tri là tầng lớp lao động có tỷ lệ thất nghiệp cao, cũng như những người đang lo lắng giá trị của cuộc cách mạng 1979 bị đe dọa.
Trong khi đó, thành tựu chính trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Rouhani là thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga, cùng Đức). Theo thỏa thuận, Iran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế về tài chính, kinh tế và dầu mỏ. Những người phản đối ông Rouhani cho rằng, sự sụt giảm kinh tế là bằng chứng cho thấy những nỗ ngoại giao của vị Tổng thống này đã thất bại. “Thay vì sử dụng lực lượng trẻ của chúng ta để giải quyết các vấn đề, họ lại đặt nền kinh tế của đất nước vào tay nước ngoài”, ông Raisi nói trong cuộc vận động tranh cử tại thành phố Mashhad ngày 17-5 vừa qua. Đối với ông Raisi, đường lối của Tổng thống Rouhani là “sự hướng ngoại thất bại” và “ảo tưởng”. Ông Raisi và phe bảo thủ cho rằng, việc thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 7-2015 là động thái “đầu hàng kẻ thù” và tạo ra các nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Các nhà quan sát cho rằng, không thể phủ nhận những thành tựu của ông Rouhani: lạm phát giảm đáng kể, từ con số 40% lúc ông nắm quyền vào năm 2013 còn 7,5% năm 2016; tăng trưởng kinh tế đạt 7%; đầu tư nước ngoài đạt 9,5 tỷ USD năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao (12,5%, trong đó những người trẻ chiếm khoảng 30%), nạn tham nhũng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Song, dù sao ông đã phần nào thực hiện được cam kết lúc tranh cử tổng thống năm 2013: xoa dịu căng thẳng với phương Tây bằng thỏa thuận kết thúc 13 năm căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Ngoài cử tri tự do và giàu có ủng hộ ông Rouhani, nhiều người trẻ ở các đô thị xem ông là “niềm hy vọng tốt nhất cho sự thay đổi”.
Hiện tại, quan hệ giữa Iran với Mỹ có những dấu hiệu căng thẳng trở lại và quốc gia Cộng hòa Hồi giáo sẽ chịu những biện pháp trừng phạt mới của Washington. Điều này có thể làm Tổng thống Rouhani “mất điểm” trong chặng đường tìm kiếm nhiệm kỳ 2.
PHÚC NGUYÊN