Hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tuần qua ở đảo Sicily của Ý không mang lại cho nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) thỏa thuận chống biến đổi khí hậu như họ mong muốn do vấp phải sự phản đối của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump (bìa phải) gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AP |
Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni không giấu được sự thất vọng về việc G7 thiếu thống nhất trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Sự đồng thuận về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ đạt được trong G6 (tức 6 nước, bao gồm: Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ý); riêng Mỹ muốn có thêm thời gian để quyết định nước này sẽ giữ các cam kết về giảm phát thải khí carbon theo thỏa thuận Paris đã ký kết năm 2015 hay không. “Mỹ đang trong tiến trình xem xét lại các chính sách của mình về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận Paris nên không đồng thuận về vấn đề này”, tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ.
Theo BBC, G1 (Mỹ) đang hành động đơn lẻ. Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tuần này nhưng chưa rõ thời gian cụ thể. Nhà Trắng lý giải, Tổng thống Trump muốn nghe các đối tác trong G7 nói về thỏa thuận trước khi ông có “quyết định đúng”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và phái đoàn các nước khác cũng bày tỏ sự không hài lòng về đàm phán ở Sicily xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu, gọi đây là tình huống “6 chọi 1”. Bà Merkel nói rằng, “6 chọi 1” nghĩa là “vẫn không có dấu hiệu Mỹ sẽ ở lại thỏa thuận Paris hay không”. Trong lúc đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra lạc quan hơn khi hy vọng ông Trump sẽ quyết định tham gia thỏa thuận Paris.
Trả lời phỏng vấn truyền hình CBS ngày 28-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Tổng thống Trump “để ngỏ” về thỏa thuận Paris chứ không phải Washington rút khỏi thỏa thuận này.
Theo thỏa thuận Paris năm 2015, gần 200 quốc gia đã nhất trí cắt giảm khí thải CO2 và các khí khác phát thải do đốt các nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tình trạng trái đất nóng lên. Trong đó, Mỹ cam kết năm 2025 sẽ đạt mức cắt giảm từ 26-28% lượng khí thải so với mức phát thải của năm 2005.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Trump cho rằng, thỏa thuận khí hậu là “trò lừa bịp” bởi gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ và dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Sau đó, ông đã nói với các thành viên cố vấn của mình rằng, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris.
Thế giới đang chờ cái gật đầu của Tổng thống Trump. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, thỏa thuận Paris sẽ thất bại, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C, bởi cường quốc này có khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hơn nữa, nếu từ bỏ thỏa thuận sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà hoạt động môi trường và các công ty Mỹ đang phải trả chi phí nhiều trong công nghệ sạch.
Trả lời phỏng vấn báo Le Parisien ngày 28-5, Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot cho rằng, ông Trump sẽ không muốn đưa đất nước vào thế bế tắc. “Nếu ông Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris thì sẽ tạo nên phản ứng mạnh mẽ từ nhiều bang, thành phố và các nhà kinh tế của Mỹ, vốn đang cam kết phát triển năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng Hulot nhận định. Trong khi đó, Giám đốc điều hành tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) Jennifer Morgan kêu gọi Tổng thống Trump nên trở về Washington và đưa ra quyết định đúng. Giám đốc chiến dịch Avaaz, Iain Keith, cho rằng những nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc “làm chệch hướng hành động về khí hậu toàn cầu sẽ không giúp nước Mỹ vĩ đại hơn mà chỉ làm đất nước tụt hậu”.
Theo Reuters, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại đảo Sicily của Ý ngày 27-5 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên “các thực thể tranh chấp”. |
VĨNH AN