Triều Tiên phóng tên lửa: Bước tiến đáng kể về hạt nhân

.

CHDCND Triều Tiên khẳng định vụ phóng tên lửa hồi cuối tuần qua là hành động phòng vệ hợp pháp theo luật quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng, vụ việc đánh dấu bước tiến đáng kể của Bình Nhưỡng về khả năng hạt nhân.

Hãng AP cho biết, ngày 16-5, đô đốc Harry Harris Jr., quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ tại Thái Bình Dương, gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo để bàn thảo về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Hai bên cho rằng, hành động “không thể chấp nhận được” của Bình Nhưỡng cho thấy tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật. “Chúng ta bây giờ cần gia tăng áp lực với CHDCND Triều Tiên. Nhật Bản cùng Mỹ cần hợp tác chặt chẽ và tạo áp lực”, ông Abe phát biểu với báo giới.
CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-12 ngày 14-5. Ảnh: AFP

Ngày 16-5, phát biểu tại Hội nghị giải trì quân bị của Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ju Yong Choi khẳng định vụ phóng tên lửa mới nhất là hành động phòng vệ hợp pháp theo luật quốc tế và nước này sẽ thúc đẩy khả năng phòng vệ khi Mỹ vẫn tiếp tục các chính sách thù địch chống lại Bình Nhưỡng.

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên cuối tuần qua là bước tiến đáng kể về khả năng hạt nhân của quốc gia này; nhưng qua đó, Bình Nhưỡng có thể muốn củng cố sức mạnh trước lúc trở lại bàn đàm phán.

Tên lửa tầm trung được phóng vào ngày 14-5 vừa qua có tên Hwasong-12. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận loại tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung Hwasong-12 có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Theo AFP, đây là nỗ lực của CHDCND Triều Tiên trong việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể mang đầu đạn hạt nhân vươn đến lục địa Mỹ - điều mà Tổng thống Donald Trump cam kết rằng “sẽ không xảy ra”.

CHDCND Triều Tiên hiện có những tên lửa có thể vươn đến các mục tiêu khắp Hàn Quốc (chẳng hạn tên lửa Scud có tầm bắn 500km) và Nhật Bản (như tên lửa Rodong có tầm bắn từ 1.000-1.300km). Riêng tên lửa Hwasong-12 với tầm bắn 4.500km có thể vươn đến đảo Guam của Mỹ trên vùng Thái Bình Dương. Đáng nói hơn, tên lửa mới Hwasong-12 được cho là bước đi quan trọng để vận hành phù hợp ICBM. Chuyên gia kỹ thuật hàng không vũ trụ John Schilling (Mỹ) thậm chí cho rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ có ICBM chỉ trong vòng 1 năm, thay vì 5 năm như dự kiến. Trong khi đó, theo bà Melissa Hanham thuộc Trung tâm giải trừ hạt nhân James Martin, tên lửa vừa được phóng là loại tên lửa đạn đạo tầm trung xa nhất của CHDCND Triều Tiên mà thế giới thấy và có thể đây là một phần của ICBM.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ngày 16-5 cũng thừa nhận chương trình phát triển tên lửa của CHDCND Triều Tiên có bước tiến nhanh hơn so với dự báo. Song, ông Koo Kab-Woo ở Đại học Nghiên cứu CHDCND Triều Tiên tại Seoul cho hay, vụ phóng tên lửa đặt ra “một vấn đề cực kỳ khó”:

Với những diễn biến hiện tại, rất khó có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Bình Nhưỡng. Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi vụ phóng là “sự khiêu khích liều lĩnh”, đồng thời nhấn mạnh đối thoại “chỉ diễn ra nếu Bình Nhưỡng thay đổi ứng xử”.

Hiện tại, Hàn Quốc và Mỹ nhất trí tìm tất cả các biện pháp, trong đó có việc gia tăng sức ép và đối thoại. Tháng 6 tới, Tổng thống Moon và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ gặp gỡ tại Washington và vấn đề CHDCND Triều Tiên sẽ được đặt trên bàn nghị sự.

CHDCND Triều Tiên luôn khẳng định nước này cần vũ khí hạt nhân để phòng vệ, chống lại mối đe dọa xâm lược từ Mỹ. Bình Nhưỡng cũng không có dấu hiệu sẵn sàng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.

Đặc phái viên Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood cho biết, Washington xem sự ảnh hưởng của Trung Quốc là chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo giới quan sát, Hội đồng Bảo an LHQ có thể sẽ thảo luận về các lệnh trừng phạt mới và Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong nghị quyết mới này.

Hãng AP cho biết, ngày 16-5, đô đốc Harry Harris Jr., quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ tại Thái Bình Dương, gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo để bàn thảo về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Hai bên cho rằng, hành động “không thể chấp nhận được” của Bình Nhưỡng cho thấy tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật. “Chúng ta bây giờ cần gia tăng áp lực với CHDCND Triều Tiên. Nhật Bản cùng Mỹ cần hợp tác chặt chẽ và tạo áp lực”, ông Abe phát biểu với báo giới.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.