Anh bầu cử trong "bóng ma" khủng bố

.

Các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Anh ngày 8-6 mở cửa để thực hiện cuộc tổng tuyển cử quốc gia trong lúc an ninh được thắt chặt, nhất là sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố trong những tuần gần đây.

Cử tri đứng trước sự lựa chọn khó khăn: bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May (trái) hay Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn. 			    Ảnh: AFP
Cử tri đứng trước sự lựa chọn khó khăn: bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May (trái) hay Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, gần 47 triệu người dân Anh đi bỏ phiếu để bầu 650 ghế đại biểu Quốc hội. Đây là lần thứ ba người Anh đi bỏ phiếu trong vòng 2 năm qua, trong đó có 2 lần tổng tuyển cử (năm 2015, 2017) và 1 lần bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU - năm 2016). Đảng muốn chiếm đa số phải giành được ít nhất 326 ghế. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố vào sáng 9-6 (giờ Việt Nam).  

Cuộc bầu cử Quốc hội lần này được xem là phép thử về sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh Theresa May, đồng thời được cho là sẽ quyết định đường hướng của Anh trong việc đàm phán Brexit và đối phó với các vụ tấn công khủng bố như thế nào. Hồi tháng 4 vừa qua, bà May kêu gọi bầu cử sớm khi các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này và đảng Bảo thủ cầm quyền rất cao. Bà hy vọng với cuộc bầu cử sớm, đảng Bảo thủ sẽ gia tăng số ghế ở Quốc hội, củng cố quyền lực của bà, tạo thuận lợi cho bà trong tiến trình đàm phán Brexit. Tuy nhiên, các cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan diễn ra ở thủ đô London ngày 3-6 và thành phố Manchester ngày 22-5 tạo áp lực lớn cho bà, bởi dễ khiến cử tri hoài nghi về những chính sách của nữ Thủ tướng trong việc bảo đảm an ninh cho nước Anh, nhất là khi bà kiên quyết muốn rời ngôi nhà chung châu Âu. Bà May dần bị “mất điểm”. Vì vậy, thắng lợi của đảng Bảo thủ sẽ là điều không dễ dàng như dự tính.

Hãng AP cho biết, một quan chức cấp cao cảnh sát London nói rằng, Anh đang sống trong “khoảng thời gian chưa từng có” sau hàng loạt vụ tấn công trong những tuần gần đây. An ninh được thắt chặt tại các điểm bầu cử. Các nhà chức trách đã yêu cầu người dân trong quá trình tham gia bầu cử cần cảnh giác và thông báo bất kỳ mối nghi ngờ nào cho cảnh sát.

Thực tế, điều cử tri Anh quan tâm là chính sách an ninh và chống khủng bố. Vì vậy, cả đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập đều tập trung vào vấn đề này trong các chiến dịch tranh cử. Bà May muốn tăng cường đầu tư hơn nữa cho lực lượng chống khủng bố, trong khi lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn chỉ trích rằng chính việc đảng cầm quyền, cụ thể là trong thời gian bà May làm Bộ trưởng Nội vụ, đã cắt giảm đến 19.000 nhân viên cảnh sát nên không thể bảo đảm an ninh cho nước Anh.

Hơn nữa, đến nay, người dân Anh dường như vẫn hoài nghi về sự lựa chọn của mình trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm ngoái, họ không xác định được việc rời EU là đúng hay sai và phải chăng nếu rời ngôi nhà chung thì họ sẽ phải đơn độc chống lại khủng bố. Nhiều người ủng hộ nhưng cũng nhiều người chỉ trích quan điểm cứng rắn của Thủ tướng May trong vấn đề Brexit. Trong khi đó, nhà lãnh đạo này cho rằng, bà là người duy nhất đàm phán được một thỏa thuận Brexit phù hợp, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Anh.

Ngày 7-6, chỉ một ngày trước bầu cử, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách cuộc giữa đảng Bảo thủ và Công đảng sít sao. Theo thăm dò của YouGov đêm 7-6, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ là 42% và Công đảng 35%. Tuy nhiên, Giáo sư chính trị Mark Garnett tại Đại học Lancaster cho rằng, các thăm dò này không đáng tin cậy bởi mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.