Anh đàm phán với EU Cuộc thương lượng khó khăn

.

Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-6 bắt đầu đàm phán chính thức về vấn đề Brexit, với áp lực phải đạt được một thỏa thuận dù người dân xứ sở sương mù vẫn do dự về việc đi hay ở lại “ngôi nhà chung”.

Trưởng đoàn đàm phán Anh David Davis (trái) gặp gỡ Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP
Trưởng đoàn đàm phán Anh David Davis (trái) gặp gỡ Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP

Hãng AFP cho rằng, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận trước thời hạn cuối (tháng 3-2019), điều này không những ảnh hưởng đến tương lai của London mà còn đến trật tự chính trị của châu Âu thời hậu chiến. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier, một người Pháp, chào đón người đồng cấp Anh David Davis tại trụ sở của liên minh ở Brussels (Bỉ) và khẳng định hai bên bắt đầu đàm phán về tiến trình Anh rút khỏi EU. Song, ông Barnier nói rằng, nhiệm vụ đầu tiên của họ là phải “giải quyết sự bất ổn do Brexit gây ra” như quyền lợi của công dân EU tại Anh và những tác động trong việc mở cửa biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland.

Trong khi đó, dù mang chủ trương cứng rắn trong vấn đề Brexit đến Brussels nhưng ông Davis vẫn thể hiện quan điểm tích cực khi cho rằng, những gì đang diễn ra tại trụ sở EU thể hiện “sự đoàn kết hơn là chia rẽ chúng tôi”. Vị Bộ trưởng Brexit của Anh khẳng định đàm phán được thực hiện “theo cách tích cực và xây dựng” với việc London đang tìm kiếm một đối tác “mạnh mẽ và đặc biệt cho tương lai”. Song, giới quan sát vẫn cho rằng, quá trình đàm phán sẽ khó khăn với những vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử EU.

Năm ngoái, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh về việc đi hay ở lại EU đã gây sốc cho cả châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có ứng viên tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump, đã dự đoán khối này sẽ tan rã. Đến tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon của EU, khởi động tiến trình Brexit dự kiến kéo dài 2 năm trong lúc tỷ lệ ủng hộ bà và đảng Bảo thủ cầm quyền ở mức cao. Sau đó, bà kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 8-6 nhằm củng cố vị thế của mình, từ đó thúc đẩy tiến trình Brexit. Tuy nhiên, “nước cờ” của bà phản tác dụng, đảng Bảo thủ mất đa số ghế trong Quốc hội, làm chiếc ghế Thủ tướng của bà lung lay. Giờ đây, người dân Anh do dự về việc đi hay ở lại EU. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra tại xứ sở sương mù, khiến người dân nước này đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng việc rời EU khiến họ đơn độc chịu các vụ tấn công.

Theo AP, nhà đàm phán của Anh - ông Davis và nhà đàm phán của EU - ông Barnier phải giải quyết một vấn đề chính trong những tuần đầu tiên, đó là xây dựng niềm tin lẫn nhau. Cả Anh lẫn EU đều muốn tìm kiếm một thỏa thuận tốt nhưng phía liên minh nghi ngờ về chiến lược cụ thể của Anh. Lãnh đạo nhóm đảng Dân chủ Thiên chúa giáo EPP trong Nghị viện châu Âu, ông Manfred Weber nhận định: “Vấn đề lớn là chúng tôi không có một bức tranh, một ý tưởng nào về những gì mà người Anh muốn”. Nhiều quan chức ở Brussels cũng lo ngại London không có một chiến lược thật sự nào, trong lúc Thủ tướng May chịu những áp lực ở trong nước khi bà phải tìm một thỏa thuận với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland để thành lập chính phủ thiểu số; đồng thời ngay chính đảng Bảo thủ đang âm mưu lật đổ bà. Một nguồn tin khác ở châu Âu cũng cho rằng, “cách tốt nhất trong tuần này là xây dựng niềm tin” hơn là giải quyết các vấn đề lớn ngay khi bắt đầu đàm phán.
Hãng AFP cũng cho hay, bà May sẽ có một cơ hội thúc đẩy tiến trình Brexit trong cuộc gặp gỡ với 27 nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels vào ngày 22-6 tới.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.