Các nước Đông Nam Á hợp tác chống IS

.

Sau 3 ngày nhóm họp, Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 diễn ra ở Singapore khép lại vào ngày 4-6 với nhiều tuyên bố, cam kết; trong đó chủ yếu là duy trì hòa bình và an ninh của khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (thứ hai, từ trái sang) và lãnh đạo các nước ASEAN thể hiện sự đoàn kết hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh khu vực.		            Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (thứ hai, từ trái sang) và lãnh đạo các nước ASEAN thể hiện sự đoàn kết hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh khu vực. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, các nước Đông Nam Á dự kiến sử dụng các máy bay do thám và máy bay không người lái để ngăn chặn sự di chuyển của các chiến binh ở khu vực biên giới, trong lúc có những quan ngại về sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở khu vực này.

Indonesia, Malaysia và Philippines khẳng định họ sẽ tiến hành tuần tra chung trong tháng 6 này trên không phận biển Sulu. “Chúng tôi quyết định ít nhất 3 nước tham gia, để tránh bị cáo buộc là không làm gì cả… Chúng tôi tuần tra chung trên biển và trên không”, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói, đồng thời cho biết các cuộc tuần tra trên không sẽ diễn ra vào ngày 19-6 tới.

Đông Nam Á là khu vực có 600 triệu người; trong đó, Indonesia là quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới. Các nhà chức trách ở cả Indonesia lẫn Malaysia đều cho rằng, hàng ngàn công dân của hai nước ủng hộ IS và hàng trăm người đến Syria để tham gia nhóm Hồi giáo cực đoan này. Tháng trước, giới chức Indonesia quy trách nhiệm IS trong các vụ đánh bom làm 3 cảnh sát thiệt mạng. Trong những tháng gần đây, hàng chục tay súng từ Indonesia và Malaysia đã đến đảo Mindanao ở miền nam Philippines, gây bất ổn cho nơi này với 177 người chết trong 2 tuần qua. Bên lề Đối thoại Shangri-La, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã có cam kết chung với Mỹ trong việc hỗ trợ Philippines trấn áp các chiến binh ở thành phố Marawi, thuộc đảo Mindanao. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tuyên bố sẽ xem xét việc triển khai các máy bay không người lái và máy bay do thám tại biên giới với Philippines. AFP dẫn lời ông cho hay, khoảng 1.200 chiến binh IS đang hoạt động ở Philippines, trong đó 40 người đến từ Indonesia. Ông Ryacudu gọi các chiến binh là “những cỗ máy giết người” và thúc giục hợp tác toàn diện ở khu vực để chống lại chúng.
Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông cũng được đề cập tại Đối thoại Shangri-La. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, không thể xem nhẹ tầm quan trọng của Biển Đông đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực. “Quyền tự do hàng hải, hàng không của mỗi quốc gia ở Biển Đông chỉ có thể được duy trì thông qua một môi trường an ninh thân thiện, hòa bình và hòa hợp”, Tổng Thư ký ASEAN nói.

Hãng Reuters cho hay, trong bài phát biểu và trả lời câu hỏi kéo dài 50 phút ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis dành đến 30 phút để đề cập đến Trung Quốc. Theo đó, ông nói rằng, Mỹ khuyến khích những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế CHDCND Triều Tiên nhưng Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Tại diễn đàn này, ông Mattis cũng khẳng định Mỹ vẫn duy trì đầy đủ cam kết với các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương. Minh chứng rõ nhất là 60% lực lượng hải quân Mỹ, 55% lực lượng quân đội và 2/3 lực lượng thủy quân lục chiến ở Mỹ vẫn hiện diện ở khu vực này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.