Đảng Bảo thủ mất đa số ghế trong Quốc hội, Thủ tướng Anh Theresa May đứng trước áp lực phải từ chức, canh bạc chính trị của bà trong việc kêu gọi bầu cử sớm trở nên phản tác dụng và đi chệch hướng. Xứ sở sương mù đang đối mặt với nguy cơ bất ổn chính trị.
Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với những lời kêu gọi từ chức. Ảnh: AFP/Getty Images |
Hãng AFP cho biết, trong khi một số ghế vẫn chưa được công bố, kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử ngày 8-6 cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May giành được 319 ghế trong tổng số 650 ghế tại Quốc hội (trong cuộc bầu cử năm 2015, đảng này giành được 331 ghế). Như vậy, đảng Bảo thủ không thể có 326 ghế tối thiểu để bảo đảm đa số trong Quốc hội, điều này có nghĩa đảng này sẽ phải thành lập một liên minh chính thức hoặc không chính thức để thúc đẩy các kế hoạch, chính sách của mình. Trong khi đó, Công đảng đối lập giành được 260 ghế (tăng từ con số 229 ghế). Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) chỉ giành được 1 ghế nên Chủ tịch đảng Paul Nuttall ngay lập tức từ chức. UKIP cũng tuyên bố không liên minh với bất kỳ đảng nào nhằm giúp thành lập chính phủ.
Giáo sư Tony Travers ở Trường Kinh tế London cho rằng, kết quả nói trên đi ngược lại với mục đích của Thủ tướng May trong việc tổ chức bầu cử sớm. Theo đó, bà sẽ phải đàm phán về vấn đề Brexit trong thế yếu. Còn cựu nghị sĩ Paul Goodman nhận định cuộc bầu cử đã làm tổn hại sâu sắc đến quyền lực của bà May.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn kêu gọi Thủ tướng May từ chức. Theo ông, bà May nên rời cương vị để mở đường cho một “chính phủ thực sự đại diện cho đất nước”. Ông cho rằng, kết quả phản ánh chiến thắng của Công đảng với bước tiến ngoạn mục.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Tim Farron cho rằng bà May “nên cảm thấy xấu hổ” khi kêu gọi bầu cử sớm, đồng thời muốn bà phải từ chức. Ông Farron thậm chí chỉ trích bà May “đánh bạc với tương lai của nước Anh”. Theo người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do, quan điểm cứng rắn của bà May về Brexit đã bị người dân Anh bác bỏ và các cuộc đàm phán về vấn đề này cần được xem xét.
Bà May trở thành Thủ tướng, thay thế ông David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit hồi tháng 6 năm ngoái. Ngày 29-3 vừa qua, bà chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán và chuẩn bị trong 2 năm để Anh rời Liên minh châu Âu (EU), với cam kết đưa xứ sở sương mù ra khỏi một thị trường duy nhất và giảm nhập cư. Vài tuần sau đó, trong lúc tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ và cá nhân nữ Thủ tướng ở mức cao, bà May kêu gọi bầu cử sớm, thúc giục cử tri trao cho bà quyền lực mạnh mẽ hơn để thực hiện sứ mệnh đàm phán Brexit, dự kiến bắt đầu sớm nhất vào ngày 19-6 tới. Đến cuộc bầu cử địa phương vào đầu tháng 5 vừa qua, đảng Bảo thủ vẫn chiến thắng vang dội nên bà May càng tự tin vào quyết định bầu cử sớm của mình. Các quan chức châu Âu ở Brussles (Bỉ) cũng hy vọng cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ mở đường để bà thực hiện những cam kết nhưng kết quả lại tạo ra tình trạng Quốc hội “treo” và bước thụt lùi của đảng Bảo thủ.
Theo Paula Surridge, giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, ngay cả khi Thủ tướng May tìm được liên minh để hội đủ số ghế cần thiết, đây vẫn là thất bại và bà có thể là nhà lãnh đạo phải từ chức sớm nhất.
Châu Âu cũng lo ngại tình trạng Quốc hội “treo” ở Anh sẽ làm xáo trộn các cuộc đàm phán về việc rút khỏi EU. Cao ủy về ngân sách của EU Guenther Oettinger phát biểu: “Chúng tôi cần một chính phủ có khả năng hành động, có thể đàm phán Brexit”. Cao ủy về kinh tế của EU Pierre Moscovici nhận định Thủ tướng đã thua trong “canh bạc” này. Trong khi đó, trao đổi với đài Europe 1, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, kết quả bầu cử ở Anh tuy bất ngờ nhưng không thay đổi quyết định của xứ sở này trong vấn đề Brexit. “Người dân Anh đã lên tiếng, họ đã bỏ phiếu và đã dành cho đảng Bảo thủ nhiều lá phiếu hơn, dù chỉ là một đa số đơn giản, đây là điều bất ngờ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên dựa vào kết quả này để đặt câu hỏi về lập trường Brexit mà người dân Anh thể hiện rõ ràng trước đó”, ông Philippe nói.
Các nhà phân tích dự báo tiến trình thành lập chính phủ mới sẽ khó khăn và phức tạp, chắc chắn ảnh hưởng đến đàm phán sắp tới của Anh với EU. Bà May cho biết sẽ trông cậy vào sự ủng hộ từ đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland trong Quốc hội nhưng chưa rõ đảng này có đồng ý hợp tác hay không. Nếu chưa thành lập được chính phủ, đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn và nước Anh rơi vào tình trạng không rõ ràng trong quan hệ với EU. Kịch bản lần này quả thật nằm ngoài dự đoán của Thủ tướng May trong nước cờ vốn được cho là khôn ngoan của bà.
PHÚC NGUYÊN