Đàm phán Brexit không diễn ra vào ngày 19-6 như dự kiến, thậm chí có thể hoãn lại 1 năm, sau khi đảng Bảo thủ cầm quyền không chiếm đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May đang gặp khó sau khi đảng Bảo thủ không giành được đa số ghế tại Quốc hội. Ảnh: AP |
Ngày 12-6, Bộ trưởng phụ trách Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) David Davis cho biết, các cuộc đàm phán về vấn đề này có thể sẽ không diễn ra vào ngày 19-6 như kế hoạch, trong lúc chính phủ đưa ra chương trình chính sách cho Quốc hội mới. Ông Davis cũng nói rằng, đàm phán sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó trong tuần tới. Tuy nhiên, theo báo The Independent của Anh, đàm phán có thể bị hoãn trong 1 năm khi EU muốn giao sứ mệnh mới cho trưởng đoàn đàm phán của khối, ông Michel Barnier, nếu Thủ tướng Anh Theresa May kiên quyết đề cập mối quan hệ thương mại với liên minh hiện còn 27 nước. Chính Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng không biết khi nào đàm phán được bắt đầu.
Hãng AP dẫn lời người phát ngôn EC Alexander Winterstein xác nhận việc hoãn đàm phán ngày 19-6. Theo đó, ông Winterstein cho biết, EU tin tưởng các cuộc đàm phán kỹ thuật có thể bắt đầu sớm nhưng điều này không phụ thuộc vào Brussels.
Trong khi đó, Olly Robbins - cố vấn EU của Thủ tướng May - khẳng định nhà lãnh đạo chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo sớm khởi động đàm phán về việc Anh chính thức rời EU. Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon cho hay, quan điểm cứng rắn của chính phủ về vấn đề Brexit không thay đổi.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 8-6 vừa qua, đảng Bảo thủ giành được 318 ghế, mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, không đạt tối thiểu 326/650 ghế để thành lập chính phủ. Theo AFP, việc đảng Bảo thủ mất đa số ghế tại Quốc hội đặt Thủ tướng May vào thế khó. Bà phải xoa dịu sự tức giận của các nghị sĩ thuộc đảng này và thuyết phục họ chấp nhận việc bà tiếp tục lãnh đạo đảng, thay vì phải từ chức vì đã đi sai nước cờ. Các nghị sĩ này có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm bà và nếu có đủ số thành viên bỏ phiếu chống, việc bà May ra đi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Kết quả bầu cử Quốc hội phản ánh uy tín, quyền lực của Thủ tướng May bị suy yếu không những trong nội bộ đảng Bảo thủ và tại cơ quan lập pháp của Anh, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến vị thế của bà tại EU. Trước đó, ngày 11-6, bà May công bố nội các đầy đủ với một số thay đổi, chứ không xáo trộn các vị trí Bộ trưởng cấp cao; đồng thời, bà đang đàm phán với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland hiện giữ 10 ghế trong Quốc hội) để thành lập một liên minh chính thức. Chủ tịch DUP Arlene Foster nói rằng, “các cuộc thảo luận diễn ra rất tốt” và bà sẽ đến London để gặp gỡ Thủ tướng May vào ngày 13-6. Song, theo Bộ trưởng Fallon, chính phủ Anh không tìm kiếm một liên minh chính thức nhưng muốn bảo đảm rằng DUP sẽ bỏ phiếu ủng hộ bà May trong “những vấn đề lớn” như ngân sách, quốc phòng và Brexit. Bộ trưởng David Davis cũng cho biết, đảng Bảo thủ cần sự hỗ trợ của DUP nhưng sẽ không đi theo quan điểm và chính sách của DUP. Hơn 720.000 người đã ký tên trong một kiến nghị chỉ trích liên minh Bảo thủ và DUP, bởi cho rằng liên minh này có thể tạo ra thách thức đối với tiến trình hòa bình của khu vực Bắc Ireland. Tuy nhiên, bà May khẳng định thỏa thuận với DUP sẽ giúp giữ vững sự ổn định “để nước Anh tiến về phía trước”.
Chưa rõ DUP có chính thức nhận lời “bắt tay” với đảng Bảo thủ hay không, nhưng một khi tiến trình thành lập chính phủ mới kéo dài, Quốc hội vẫn “treo”, thì đương nhiên đàm phán Brexit sẽ bị hoãn.
PHÚC NGUYÊN