Không cần Mỹ, G7 vẫn thúc đẩy thỏa thuận Paris

Các quốc gia còn lại trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết thúc đẩy thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp quyết định rút lui của Mỹ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7, diễn ra trong ngày 11 và 12-6 (giờ địa phương) tại thành phố Bologna của Ý. Hội nghị tập trung thảo luận những chủ đề quan trọng liên quan đến thách thức đối với môi trường toàn cầu, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu được ấn định bởi thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, hội nghị cũng giải quyết các cam kết của G7 về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hồi đầu tháng 6 này, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris. Trước đó, các kế hoạch của ông Trump nhằm tái thương lượng một thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ đã bị Đức, Pháp và Ý khước từ; lãnh đạo của 3 quốc gia này cũng đã kêu gọi các nước đồng minh tăng cường nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Hãng Reuters dẫn lời ông Gian Luca Galletti, Bộ trưởng Môi trường Ý- quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm nay cho biết, những khác biệt lớn giữa Mỹ và các nước còn lại trong G7 về thỏa thuận vẫn tồn tại. Song, ông Galletti nhấn mạnh rằng, Ý và các nền kinh tế hàng đầu khác xem thỏa thuận Paris là “không thể đảo ngược và tái thương lượng”. Người đứng đầu Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (LHQ) Erik Solheim cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên, 6 quốc gia còn lại trong G7 đều thể hiện quyết tâm đối phó với biến đổi khí hậu “bất chấp những gì đang diễn ra ở Nhà Trắng”.

Quan chức LHQ phụ trách thực thi thỏa thuận Paris, Patricia Espinosa, cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận trên sẽ không tạo ra sự khác biệt nào trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks, sẽ có những quan điểm khác biệt trong tuyên bố chung của hội nghị tại Ý lần này, đồng thời từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Theo thỏa thuận Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005 nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận.

THƯ LÊ

;
.
.
.
.
.