Ngày 9-6, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đưa 12 tổ chức và 59 cá nhân vào danh sách trừng phạt khủng bố do cáo buộc liên quan đến Qatar. Động thái này làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa quốc gia giàu dầu mỏ với Saudi Arabia và các nước khác ở vùng Vịnh.
Hãng Reuters cho biết, “danh sách đen” bao bồm 59 người, trong đó có thủ lĩnh tinh thần của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) Yousef al-Qaradawi; cụ thể, có 18 người Qatar, 5 người Libya, 26 người Ai Cập, 3 người Kuwait, 2 người Jordan, 2 người Bahrain, 1 người UAE, 1 người Saudi Arabia và 1 người Yemen. “Danh sách đen” được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Qatar tuyên bố “không đầu hàng” và phản đối bất kỳ sự can dự nào vào chính sách ngoại giao của nước này.
Qatar bác bỏ danh sách khủng bố nói trên và chỉ trích đây là “cáo buộc vô căn cứ, không có nền tảng”. Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho rằng, các nước Arab “không có quyền phong tỏa đất nước tôi” và gọi việc phong tỏa Qatar là một hành động vi phạm luật quốc tế. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar khẳng định nước này không hỗ trợ các nhóm khủng bố. “Quan điểm của Doha về chống khủng bố mạnh mẽ hơn bất kỳ cam kết chung nào, đây là một sự thật đã bị các nước Arab phớt lờ”, tuyên bố nêu rõ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh thông qua con đường ngoại giao. Nhà ngoại giao của Berlin thúc giục chấm dứt phong tỏa đường không và đường biển đối với Qatar. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói rằng, nước ông và Iran đều ủng hộ việc giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar thông qua đàm phán, đối thoại.
THƯ LÊ