Khủng hoảng Qatar chưa có hồi kết

.

Việc 7 quốc gia tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar, một nước có diện tích chỉ gần 12.000km2, dân số 2,4 triệu người, đã làm “nóng” cả khu vực Trung Đông vốn bất ổn.

Người dân Qatar mua sắm tại siêu thị al-Meera ở thủ đô Doha. Qatar sẽ chịu thiệt hại về kinh tế nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài. 		                 								Ảnh: AFP
Người dân Qatar mua sắm tại siêu thị al-Meera ở thủ đô Doha. Qatar sẽ chịu thiệt hại về kinh tế nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài. Ảnh: AFP

Khủng hoảng ngoại giao ở Qatar không còn là vấn đề của riêng khu vực Trung Đông bởi đến nay cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu đã lên tiếng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm vào tối 10-6 đề cập đến khủng hoảng Qatar. Trước đó, trong chuyến thăm Úc, ông Tillerson bày tỏ mong muốn các quốc gia vùng Vịnh duy trì quan hệ đoàn kết và các bên nên ngồi lại để cùng giải quyết bất đồng. Washington đương nhiên không muốn các quốc gia quyền lực và là đồng minh của mình ở Trung Đông rạn nứt đến đỉnh điểm, nhất là sự việc xảy ra chỉ sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Donald Trump. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với khu vực vốn được mệnh danh là “chảo lửa”.

Song, sự lan tỏa quá nhanh chóng trong cuộc khủng hoảng là điều bất ngờ. Bởi lẽ, ngay sau khi Bahrain đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar thì hàng loạt nước như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Libya, Yemen, Maldives lần lượt có động thái tương tự. Không những thế, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain còn đưa 59 cá nhân, trong đó có thủ lĩnh tinh thần của phong trào Huynh đệ Hồi giáo (MB) Yousef al-Qaradawi và 12 tổ chức khác, trong đó có các tổ chức từ thiện của Qatar, vào danh sách khủng bố.

Theo các nhà quan sát, lý do được các nước đưa ra là Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố nhưng đây chưa hẳn là nguyên nhân thật sự. Một nguyên nhân khác là mối quan hệ giữa Qatar với Iran - kẻ thù không đội trời chung của Saudi Arabia. Riyadh đã đặt ra hàng loạt yêu cầu để bình thường hóa quan hệ với Qatar, trong đó yêu cầu Doha phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ yêu cầu này, thậm chí còn muốn bắt tay với Iran để chống lại Riyadh. Iran đã cho phép hãng Qatar Air sử dụng không phận của mình và hơn 150 máy bay Qatar đã vượt qua bầu trời Iran mỗi ngày. Ngoài ra, Iran còn tuyên bố sẽ dành 3 cảng biển để xuất khẩu hàng hóa cho Qatar, đồng thời điều 5 máy bay chở các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu đến Qatar trong lúc Doha bị cắt đứt các mối liên kết hàng không và vận tải. Và như vậy, cuộc đối đầu giữa Iran - Saudi Arabia đang ngày càng gay gắt hơn.

Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vào cuộc và thể hiện vai trò của mình. Thổ Nhĩ Kỳ vốn có mối quan hệ thân thiết với Qatar trong lĩnh vực năng lượng; các chính sách Trung Đông của hai nước này cũng tương tự nhau, nhưng Ankara cũng muốn duy trì tốt mối quan hệ với các nước vùng Vịnh khác. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẽ tiếp tục ủng hộ Qatar. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua 2 đạo luật, một đạo luật cho phép triển khai binh sĩ nước này tại Qatar và một đạo luật chấp nhận một hiệp định hợp tác huấn luyện quân sự giữa hai nước. Về mặt lợi ích, đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Qatar vì quan hệ quốc phòng với Doha là một trụ cột chiến lược của Ankara. Song, sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ với những tuyên bố ủng hộ Qatar cũng có thể chỉ mang tính biểu tượng, chứ chưa hẳn Ankara thể hiện rõ lập trường đứng về bên nào.

Một vấn đề đặt ra là người dân các nước liên quan sẽ gánh chịu những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng này và thiệt hại kinh tế đối với Qatar là điều chắc chắn dù quốc gia này giàu có, với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới (hơn 100.000 USD/năm). Song, Qatar tuyên bố không trục xuất công dân của các nước đã cắt đứt quan hệ với mình. Ngày 11-6, Bahrain, Saudi Arabia và UAE cũng hàm ý rằng sẽ cho phép một số công dân Qatar ở lại những nước này trong lúc khủng hoảng ngoại giao chưa có hồi kết.

Về lâu dài Qatar phải tìm cách vượt qua khủng hoảng vừa để tránh thiệt hại nặng nề về kinh tế, vừa tránh “nguy cơ một cuộc chiến” - như cảnh báo của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.