Mổ xẻ bê bối ngoại giao chấn động Vùng Vịnh

.

Chiến dịch cô lập Qatar do Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Bahrain đứng đầu với lý do Doha "tài trợ các nhóm khủng bố nhằm gây bất ổn khu vực" là một cuộc khủng hoảng ngoại giao chính trị nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ.

Sau một tuần căng thẳng, đến nay tình hình vẫn chưa có dấu hiệu bị lắng dịu. Giới quan sát cho rằng, khu vực sẽ bị đẩy vào một viễn cảnh phức tạp hơn nếu như không có biện pháp đối thoại nào được đưa ra để giải quyết.

Doha, Qatar. (Ảnh: BBC)
Doha, Qatar. (Ảnh: BBC)

 Quan hệ Qatar và Vùng Vịnh

Qatar cùng với Bahrain, UAE, Ảrập Xêút, Oman và Kuwait – là một phần của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). GCC là một liên đoàn kinh tế và chính trị, được thành lập năm 1981 để phục vụ lợi ích của các quốc gia Vùng Vịnh.

Ảrập Xêút là nước có ảnh hưởng mạnh đối với GCC ngay từ khi mới thành lập, một phần bởi vị thế quan hệ đối ngoại của nước này.

Tuy nhiên, theo thời gian, Qatar đã theo đuổi các quan hệ đối ngoại độc lập khiến một số nước GCC không hài lòng. Trong số đó có việc thành lập Hãng truyền thông Al Jazeera năm 1996.

Việc Qatar thành lập và tiếp tục cấp tiền cho Al Jazeera đã gây căng thẳng chính trị trong nội bộ GCC. Theo hãng tin News24, hầu hết các thành viên của Hội đồng đều coi Al Jazeera là cánh tay nối dài của Qatar nhằm gây bất ổn khu vực. Họ muốn Doha phải kiểm soát chặt chẽ hãng tin này. Phía Qatar khẳng định Al Jazeera là một thực thể độc lập với chính phủ.

Khởi nguồn

Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở Vùng Vịnh chỉ dấu tới hai vụ việc.

Thứ nhất là bản tin do Hãng thông tấn Qatar đăng tải ngày 23/5, đưa ra những bình luận không đúng về Hoàng thân Qatar, Sheik Tamim bin Hamad al Thani. Nội dung nói rằng ông dường như thân thiện với Iran và Israel, đồng thời đặt nghi vấn liệu Tổng thống Donald Trump có trụ được hết nhiệm kỳ.

Ngay sau đó, Qatar ra thông điệp bác bỏ bài viết, khẳng định đó là tin vịt và là kết quả của việc trang web QNA bị tin tặc tấn công.

Những tuyên bố này được xác nhận ngày 7/6 trong bản tin độc quyền của CNN, trong đó nói "thông tin tình báo do các cơ quan an ninh của Mỹ thu thập được cho thấy tin tặc Nga đứng sau vụ xâm nhập mạng mà chính phủ Qatar thông báo 2 tuần trước".

Bản tin giả sau đó được nhiều hãng thông tấn đăng lại và phát tán rộng rãi, dù đã bị chính quyền Qatar phủ nhận.

Thứ hai, nhiều ngày sau đó, một trang mạng ở Mỹ công bố loạt email rò rỉ của Đại sứ UAE ở Mỹ, ông Yousef Al Otaiba. Nội dung của các tài liệu này cho thấy "một mối quan hệ thân cận giữa Al Otaiba và một nhóm cố vấn phi bảo thủ thân Israel là Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ".

Và đây chính là giọt nước làm tràn ly.

David Hearst, Tổng biên tập tờ báo Mắt Trung Đông nhận định, những email này cho thấy "bộ máy đứng sau chiến dịch được phát động chống lại Qatar".

Các diễn biến liên tiếp sau đó đã vượt quá nỗ lực giải thích nguồn cơn cuộc tranh cãi ngoại giao này. Tuy nhiên, có một cuộc căng thẳng chính trị khác nữa giữa một số quốc gia Vùng Vịnh và Qatar.

Qatar là nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ 2 thế giới sau Nga. Nước này có chung các hoạt động khai thác khí với Iran ở Vùng Vịnh – và đây là một trong nhiều sợi dây ràng buộc họ. Các mỏ khai thác khí của Qatar nằm ở mạn nam của Vùng Vịnh, còn Iran khai thác ở mạn bắc.

Việc Tổng thống Mỹ quyết định rời khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và tỏ tín hiệu sẽ rút khỏi thỏa thuận P5+1 (Thỏa thuận hạt nhân Iran) đã đặt Qatar vào một tình thế chính trị khó khăn.

Nguồn thu nhập của hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh chủ yếu là từ dầu khí. Khí đốt được ưa thích hơn trong tương lai, đặt Qatar và Iran vào một vị thế khác biệt với các thành viên GCC.

Qatar và Iran thu lợi nhiều hơn từ nền kinh tế khí đốt chiếm ưu thế trong tương lai. Vì vậy, Qatar và phần còn lại của Vùng Vịnh sẽ khác nhau về nhiều chính sách, trong đó có sự ủng hộ đối với các quyết định của Tổng thống Trump.

Qatar tiếp tục bị cô lập

Ngày 9/6, Ảrập Xêút, UAE, Ai Cập và Bahrain - 4 quốc gia Ảrập cắt đứt quan hệ với Qatar - đã liệt vào danh sách khủng bố hàng chục người được cho là liên quan đến Qatar. Diễn biến này càng làm dấy lên căng thẳng đe dọa sự ổn định trong khu vực.

Mutlaq Al-Qahtani, Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, hôm 11/6, mô tả việc Doha bị các quốc gia vùng Vịnh dồn ép về mặt ngoại giao là một "chính sách thống trị và kiểm soát". Ông khẳng định hành động này sẽ không mang lại kết quả.

"Tôi nghĩ rằng, đây là một chiến dịch phối hợp nhằm chống lại đất nước của tôi để gây áp lực buộc Qatar thay đổi chính sách đối ngoại độc lập tích cực. Theo tôi, chính sách thống trị và kiểm soát này sẽ không có hiệu quả", Mutlaq Al-Qahtani quả quyết và tuyên bố Qatar không ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Căng thẳng hiện tại đã khiến nhiều người ở Qatar lo khủng hoảng lương thực bởi nước này nhập khẩu tới 90% thực phẩm từ các nước láng giềng. Họ đổ xô đến các siêu thị để tích trữ lương thực, khiến nhiều nơi hết sạch hàng hóa.

Giữa bối cảnh này, Iran thông báo điều 5 máy bay chở các mặt hàng thực phẩm như hoa quả và rau đến Qatar, mỗi chiếc chở khoảng 90 tấn hàng.

Theo Vietnamnet

;
.
.
.
.
.