Sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực từ 20 giờ ngày 29-6 (8 giờ ngày 30-6, giờ Việt Nam) sau khi Tòa án Tối cao khôi phục một phần sắc lệnh này.
Ngay khi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối quy định này. Trong ảnh: Biểu tình tại sân bay quốc tế San Francisco của Mỹ hồi tháng 1-2017. Ảnh: The Mercury News |
Theo AP, sắc lệnh cấm nhập cảnh được áp dụng đối với công dân 6 nước Hồi giáo: Syria, Sudan, Somalia, Libya, Iran và Yemen. Công dân 6 nước này muốn đến Mỹ, để được cấp thị thực nhập cảnh (visa), họ phải chứng minh “có mối quan hệ tốt đẹp” - quan hệ gia đình thân cận hoặc quan hệ chính thức với một thực thể ở Mỹ; nghĩa là họ phải có cha/mẹ, vợ/chồng, con cái, con rể, con dâu, anh/chị em ruột (anh/chị em cùng cha khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác cha) đang sinh sống ở Mỹ. Những thành viên khác trong gia đình như ông, bà, cháu, cô/chú... không được coi là mối quan hệ thân thiết. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhà báo, sinh viên, người lao động, học giả có lời mời hoặc có hợp đồng lao động hợp pháp tại Mỹ sẽ được miễn lệnh cấm.
Những tiêu chuẩn mới nói trên được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao khôi phục một phần lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump vốn bị đông đảo dư luận chỉ trích như một lệnh cấm đối với người Hồi giáo. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, lệnh cấm sẽ được Washington thực thi một cách trật tự, phù hợp với yêu cầu của Tòa án Tối cao và sẽ thông báo với các bên liên quan về sự thay đổi này. Đây được xem là thắng lợi của Tổng thống Trump trong cuộc chiến giữa cơ quan hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, hãng AFP cho rằng, việc thực thi sắc lệnh sau 5 tháng bị ngăn cản ở “cửa tư pháp” có thể gây cảnh hỗn loạn tại các sân bay Mỹ vì sự mập mờ của cái gọi là “mối quan hệ tốt đẹp”.
Ban đầu, sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ban hành vào tháng 1-2017, cấm nhập cảnh đối với người dân 7 nước: Iraq, Syria, Sudan, Somalia, Libya, Iran và Yemen đến Mỹ trong 90 ngày; đồng thời đình chỉ chương trình tái định cư tất cả người tị nạn trong 120 ngày và cấm người tị nạn từ Syria vô thời hạn. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng, lệnh cấm là cần thiết nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố và bảo vệ nước Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh đã bị các tòa án liên bang “đóng băng”.
Đến tháng 3, ông Trump ký sắc lệnh thứ hai, loại Iraq khỏi danh sách. Song, sắc lệnh hành pháp này vẫn không vượt qua được “hàng rào” của ngành tư pháp bởi các tòa án liên bang tiếp tục phản đối. Chính phủ của ông Trump phải kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Tháng 10 tới, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét tổng thể sắc lệnh. Vì vậy, những quy định tạm thời sẽ được áp dụng ít nhất cho đến mùa thu.
Ông David Lapan, người phát ngôn của Cơ quan An ninh nội địa Mỹ xác nhận với hãng tin NBC về việc thực thi sắc lệnh từ ngày 29-6. Trong lúc đó, hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) - hãng hàng không lớn nhất Trung Đông cho biết, các chuyến bay đến Mỹ vẫn hoạt động bình thường. Hãng này khuyến cáo hành khách cần có các giấy tờ phù hợp, trong đó có visa hợp lệ. Tháng 5 vừa qua, Emirates Airlines tuyên bố sẽ giảm các chuyến bay đến Mỹ do nhu cầu giảm vì liên quan đến việc siết chặt an ninh cũng như kiểm soát visa. Hãng này vốn có các chuyến bay từ Dubai đến 12 thành phố của Mỹ, trong đó có New York, Los Angeles, Chicago, Houston…
Theo AP, một quan chức ở sân bay Beirut (Lebanon) cũng nói rằng, hãng hàng không Trung Đông (MEA) của quốc gia này chưa nhận được hướng dẫn mới về sắc lệnh nên vẫn hoạt động bình thường. MEA không có các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ nhưng nhiều người Syria thường chọn hãng này để đến Mỹ thông qua một chặng dừng chân ở châu Âu.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Chính phủ Mỹ sẽ triển khai sắc lệnh như thế nào khi sự tức giận đang dấy lên ở Trung Đông. Các công dân Iran, những người đang xin visa tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về quy định của Washington (Mỹ không có đại sứ quán tại Iran).
PHÚC NGUYÊN