Mỹ tố Syria sử dụng vũ khí hóa học

.

Mỹ cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng, nhà lãnh đạo này và quân đội của ông sẽ “trả giá đắt” nếu lại tiến hành tấn công vũ khí hóa học. Syria bác bỏ cáo buộc và khẳng định Damascus không bao giờ dùng loại vũ khí như thế.

Một người đàn ông bị thương trong vụ tấn công tình nghi sử dụng chất độc tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib của Syria, vào tháng 4-2017. 			                Ảnh: AFP
Một người đàn ông bị thương trong vụ tấn công tình nghi sử dụng chất độc tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib của Syria, vào tháng 4-2017. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, cảnh báo của Mỹ được đưa ra ngày 26-6 (giờ Washington). Nhà Trắng cho rằng, Mỹ có lý do để tin chính phủ Syria đang chuẩn bị một cuộc tấn công vũ khí hóa học mới và sự chuẩn bị của Damascus tương tự hoạt động trước khi xảy ra vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học hồi tháng 4 vừa qua khiến hàng chục người thiệt mạng, dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng 59 tên lửa hành trình Tomahawk không kích một căn cứ quân sự tại tỉnh Homs của quốc gia Trung Đông này. “Mỹ xác định khả năng chính phủ Syria đang chuẩn bị một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khác, sẽ dẫn đến việc giết người hàng loạt, trong đó có trẻ em vô tội”, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói. Ông Spicer cảnh báo: “Nếu ông Assad thực hiện vụ tấn công giết người hàng loạt bằng vũ khí hóa học, ông ấy và quân đội của mình sẽ trả giá đắt”. Tuy nhiên, Nhà Trắng không cung cấp được bằng chứng.

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump ra lệnh không kích căn cứ không quân Shayrat để đáp trả lại những gì mà Mỹ gọi là “vụ tấn công bằng khí độc” do chính phủ Assad thực hiện làm 87 người chết tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib của Syria. Song, Damascus khẳng định không hề thực hiện vụ tấn công. Trả lời phỏng vấn AFP, Tổng thống Assad cho rằng, vụ tấn công chẳng qua do Mỹ “bịa đặt 100%” nhằm biện minh cho cuộc không kích. Nhà lãnh đạo này còn tuyên bố quân đội của ông đã hoàn toàn hủy bỏ các kho vũ khí hóa học từ năm 2013 sau một thỏa thuận do Nga dàn xếp nhằm tránh nguy cơ bị Mỹ áp dụng hành động quân sự. Thỏa thuận này sau đó đã được ghi nhận trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Giới phân tích nhận định: Cuộc không kích hồi tháng 4 là hành động cứng rắn nhất của Mỹ nhằm vào chính phủ Syria, làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Nga và Iran - hai đồng minh chính của ông Assad. Mátxcơva cáo buộc Washington vi phạm luật pháp quốc tế. Nga vốn ủng hộ chính phủ Assad kể từ năm 2015 bằng các cuộc không kích mà Mátxcơva gọi là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi Mỹ dẫn đầu liên quân quốc tế chống IS.

Cảnh báo lần này của Nhà Trắng được đưa ra trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga, nhất là sau khi lực lượng Washington bắn rơi một máy bay quân sự của Syria. Trên Twitter, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khẳng định: Bất kỳ vụ tấn công nào xảy ra thêm sẽ quy trách nhiệm cho ông Assad và cho cả Nga lẫn Iran. Trong khi đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với báo giới ngày 27-6 rằng, việc Mỹ cảnh báo Tổng thống Assad và quân đội của ông như trên là không thể chấp nhận được. “Tôi không có bất kỳ thông tin về mối đe dọa có thể sử dụng vũ khí hóa học”, ông Peskov nói. Ông Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Thượng viện Nga gọi cảnh báo này là “sự khiêu khích”, đồng thời tố Mỹ “đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới nhằm vào các vị trí của lực lượng Syria”.

Trước cáo buộc của Mỹ, Bộ trưởng về các vấn đề hòa giải dân tộc của Syria Ali Haidar nói với AP rằng, Damascus không bao giờ dùng loại vũ khí như thế. Theo ông Haidar, tuyên bố của Nhà Trắng báo hiệu “cuộc chiến ngoại giao” chống lại Syria sẽ xảy ra tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc.

Mỹ luôn nghi ngờ Syria thực chất sở hữu một số vũ khí hóa học. Quân đội Israel cũng cho rằng, chính phủ Assad vẫn còn “một vài tấn” vũ khí hóa học. Tuy nhiên, cả Washington lẫn Tel Aviv đều không cung cấp được bằng chứng cho cáo buộc này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.