Trung Quốc và châu Âu cam kết “bắt tay” cứu “Mẹ Trái đất” khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris. Ảnh: Reuters |
Cam kết được Trung Quốc và châu Âu đưa ra ngày 2-6 tại Brussels (Bỉ). Theo đó, sẽ thành lập liên minh đi đầu trong nỗ lực đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh về sự cấp thiết phải xây dựng một nền kinh tế toàn cầu có lượng khí thải carbon thấp. Theo ông, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang gửi thông điệp đến thế giới rằng “không có đường lùi” cho thỏa thuận Paris. Tại Brussels, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đều tuyên bố sẽ thúc đẩy thỏa thuận Paris dù không có sự tham gia của Mỹ.
Thỏa thuận Paris là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết vào 2015 và có hiệu lực từ tháng 11-2016. Yêu cầu đặt ra là các nước phải cắt giảm lượng khí carbon nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Hãng Reuters cho biết, các nước Nga, Ấn Độ và Mexico giờ đây bày tỏ rằng họ sẽ ký thỏa thuận, mặc dù Điện Kremlin e ngại thỏa thuận sẽ không khả thi khi thiếu sự tham gia của Mỹ - nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Các quan chức Nga cho biết, họ cần thêm thời gian để đánh giá tác động của thỏa thuận đối với nền kinh tế. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nói rằng, ông nghĩ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận sẽ không làm Mátxcơva phải cân nhắc lại quan điểm. Trong lúc đó, Pháp khẳng định sẽ làm việc với các bang và các thành phố của Mỹ, những nơi phản đối quyết định của ông Trump, để tiếp tục duy trì thỏa thuận.
Trước đó, chiều 1-6, giờ Washington (tức sáng sớm 2-6, giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, thỏa thuận này có nguy cơ đổ vỡ.
Vẫn lặp lại thông điệp “Nước Mỹ là trên hết” như giai đoạn tranh cử, Tổng thống Donald Trump ngày 2-6 cho rằng, ông quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu đạt được năm 2015 vì nó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, gây mất việc làm, suy yếu chủ quyền lãnh thổ Mỹ và đặt nước Mỹ vào tình trạng thất thế vĩnh viễn so với các quốc gia khác trên thế giới. Ông Trump khẳng định: “Tôi được các cử tri ở Pittsburgh bầu chứ không phải người dân Paris”.
Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói: “Những nước cứ muốn chúng ta tiếp tục thực hiện thỏa thuận này là những nước gộp chung lại với nhau đã lấy của Mỹ hàng ngàn tỷ USD, thông qua các chính sách thương mại khắc nghiệt và trong nhiều trường hợp còn không nghiêm túc tuân thủ những mức đóng góp cho liên minh quân sự trọng yếu của chúng ta”. Rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của ông Trump.
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đều lên tiếng ủng hộ ông Trump. Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự nuối tiếc trước việc chính quyền đương nhiệm rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mà ông đã dày công vun đắp. Ông Obama nói: “Ngay cả khi thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ, ngay cả khi chính quyền này gia nhập vào một nhóm nhỏ các nước khác từ chối tương lai, tôi vẫn tự tin rằng các bang của chúng ta, các thành phố và các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục xúc tiến, thậm chí làm nhiều việc hơn nữa để tiếp tục hướng đó và giúp bảo vệ cho thế hệ tương lai một hành tinh mà chúng ta đã có”.
Theo thỏa thuận Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005. Vì vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận lịch sử này sẽ kém hiệu quả và cản trở nỗ lực của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
PHÚC NGUYÊN - ĐẮC LUÂN