Thủ tướng Anh thuyết phục châu Âu

.

Thủ tướng Anh Theresa May muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, bà có thể vẫn thúc đẩy vấn đề Brexit dù vị thế của bà bị suy yếu sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Thủ tướng Theresa May đang loay hoay xử lý vấn đề Brexit. 			           Ảnh: AFP
Thủ tướng Theresa May đang loay hoay xử lý vấn đề Brexit. Ảnh: AFP

Trong hai ngày 22 và 23-6 diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) sẽ bị “phủ bóng” bởi vấn đề Brexit. Theo đó, Thủ tướng Theresa May phải trình bày với 27 nhà lãnh đạo về kế hoạch Brexit nhằm bảo đảm quyền lợi cho khoảng 3 triệu công dân EU đang sống tại Anh và hơn 1 triệu công dân Anh sinh sống trên lãnh thổ của EU, đồng thời bảo đảm tương lai của nước Anh thời hậu Brexit. Hãng Reuters cho rằng, đây là thử thách đầu tiên của bà May sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở trong nước với tình trạng đảng Bảo thủ không giành được đa số quá bán 326/650 ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Trong lúc này, vị thế của bà May đang suy yếu không chỉ tại Anh mà còn tại cả Brussels. Hơn nữa, nữ Thủ tướng Anh chỉ có thể hiện diện ở Brussels trong thời gian ngắn và sau khi bà rời hội nghị, các nhà lãnh đạo của 27 nước còn lại sẽ thảo luận về việc Anh rời EU. Điều này làm dấy lên những đồn đoán rằng, bà May sẽ thay đổi quan điểm với xu hướng “mềm hóa” hơn trong vấn đề Brexit.

Một quan chức cấp cao EU khẳng định khối này sẵn sàng lắng nghe những gì Thủ tướng May nói; trong đó có quan điểm cứng rắn của bà xung quanh việc rời thị trường chung EU, đạt thỏa thuận hải quan mới, nắm quyền kiểm soát đường biên giới và hạn chế người nhập cư từ EU. Điều mà EU mong muốn là một thỏa thuận tốt, đại diện cho lợi ích của khối lẫn Anh.

Hồi đầu tuần này, sau cuộc gặp đầu tiên tại Brussels giữa hai nhà đàm phán Michel Barnier (phía EU) và Bộ trưởng Brexit David Davis (phía Anh), hai bên đã thống nhất các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán. Theo đó, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra mỗi tháng một lần từ ngày 17-7 đến 9-10 tới. Đến mùa thu, Anh và EU sẽ chuyển sang đàm phán về các nội dung liên quan đến vấn đề quan hệ thương mại thời hậu Brexit.

Trao đổi với đài BBC, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói rằng, ông muốn sớm đạt được thỏa thuận về nguyên tắc của “giai đoạn chuyển tiếp” nhằm bảo đảm các doanh nghiệp không đứng bên “bờ vực” khi Anh rời EU vào cuối tháng 3-2019. Ông Hammond khẳng định, điều này sẽ mang lại “lộ trình suôn sẻ” từ nay đến khi Anh chính thức rời “ngôi nhà chung”.

Trong lúc đó, phát biểu với báo giới ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bày tỏ hy vọng Anh sẽ ở lại khối và tiến trình Brexit vẫn có thể bị đảo ngược. Không những thế, ông Tusk còn nói rằng EU dường như đã vượt qua được tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Anh hồi năm ngoái. Vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng thừa nhận đàm phán Brexit là tiến trình khó khăn nhất, buộc EU phải chuẩn bị kỹ. “Bạn có thể nghe những đồn đoán khác nhau đến từ những người khác nhau về kịch bản của các cuộc đàm phán này - một Brexit “cứng rắn”, một Brexit “mềm hóa”, hay không có thỏa thuận nào cả”, ông Tusk nói.

Tuần trước, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đều tuyên bố “cánh cửa vẫn mở” để nước Anh ở lại EU. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, EU ít nhiều đang hoài nghi về sự kiểm soát của chính phủ Anh đối với tiến trình Brexit. Ngoài ra, Brussels cũng chưa rõ thực sự London muốn gì và quan điểm rõ ràng ra sao. Thực tế, đứng trước tình trạng Quốc hội “treo”, nước Anh hiện đối mặt với nhiều khó khăn, đó là chưa kể đến làn sóng bất mãn ở Scotland và Bắc Ireland - hai khu vực thân EU - gia tăng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.