Thay vì đến CHDCND Triều Tiên trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống như đã tuyên bố, ông Moon Jae-in sẽ đến Mỹ trong tuần này, giữa lúc Bình Nhưỡng vẫn phản đối các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Trong những tháng gần đây, CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vốn ủng hộ đàm phán với CHDCND Triều Tiên, diễn ra trong tuần này và điểm đến của ông là Mỹ, chứ không phải Bình Nhưỡng. Ông chủ Nhà Xanh sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chủ trương thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng để nước này ngừng tham vọng hạt nhân. Ông Moon từng tuyên bố, cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Mỹ trong chuyến công cán đến Washington sẽ là cơ hội để hai nước một lần nữa thể hiện sức mạnh của quan hệ đồng minh.
Trước đó, ông Moon nói rằng, ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng trước khi đến Washington trong điều kiện phù hợp. Các nhà quan sát nhận định: Kể từ khi Tổng thống Moon nhậm chức, CHDCND Triều Tiên đã 5 lần thử lên lửa. Điều này có thể làm ông Moon thay đổi quan điểm nhưng việc xích lại gần Mỹ sẽ khiến Seoul đối mặt với sự trả đũa từ quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ là nước bảo trợ an ninh cho Hàn Quốc. Hiện có hơn 28.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia châu Á này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từng gọi CHDCND Triều Tiên là “mối đe dọa khẩn cấp và nguy hiểm nhất”. Trong lúc đó, Tổng thống Trump khẳng định, việc ngừng chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông.
Hãng AFP dẫn lời giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng, chính sách “gây áp lực tối đa” của Tổng thống Trump có một phạm vi rộng từ ngoại giao đến trừng phạt, tức vừa đàm phán, vừa gia tăng sức ép bằng các biện pháp cấm vận kinh tế. Điều này cũng có nhiều điểm tương đồng với Tổng thống Moon - người ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhưng vẫn thúc đẩy đối thoại.
Song, theo các nhà phân tích, cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Moon sẽ không có nhiều kịch tính, bởi cả hai dường như chỉ thăm dò nhau, hơn là thể hiện sự khác biệt.
Cũng theo AFP, một nội dung khác sẽ được đặt lên bàn nghị sự, đó là việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Mặc dù nhiều bộ phận của THAAD đã được lắp đặt nhưng Tổng thống Moon đã quyết định ngừng triển khai thêm các bộ phận khác. Đây là đòn giáng mạnh vào chính sách an ninh khu vực của Mỹ nhưng có thể là một quyết định chiến lược của người đứng đầu Nhà Xanh nhằm kéo dài tình thế tiến thoái lưỡng nan của ông hiện nay.
Hồi đầu năm nay, ông Moon gây nhiều ngạc nhiên khi nói rằng, Seoul cần “học cách nói không” với Washington. Tuy nhiên, trong chuyến công du lần này, ông sẽ nỗ lực để chứng minh quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn không bị ảnh hưởng.
Tổng thống Moon từng cho rằng, cần có sự ủng hộ của Mỹ nếu muốn đối thoại công khai với CHDCND Triều Tiên. Bản thân ông ủng hộ một chính sách hai giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên, Bình Nhưỡng phải ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa; đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc thu hẹp các cuộc tập trận chung. Trong giai đoạn hai, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ hoàn toàn bị “đóng băng” để đổi lấy các mối quan hệ ngoại giao và sự hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Moon, việc theo đuổi chính sách này hiện trở nên khó khăn sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người đã bị CHDCND Triều Tiên bắt giam suốt 17 tháng.
Tân đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad nói rằng, việc ngăn chặn mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông, cùng với giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại giữa cường quốc này và Bắc Kinh. Phát biểu của tân Đại sứ Mỹ Terry Branstad được đưa ra vào ngày 26-6 trong một thông điệp bằng video gửi đến Trung Quốc. Ông khẳng định: “Giải quyết sự mất cân bằng thương mại song phương, ngừng mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và mở rộng mối quan hệ nhân dân sẽ là những ưu tiên hàng đầu của tôi”. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, mặc dù ông chủ Nhà Trắng mới đây cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh đã thất bại. |
PHÚC NGUYÊN