Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới. Trong lúc này, mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ với Nga vẫn chưa hết “nóng”.
Tổng thống Donald Trump (trái) chưa có cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images/AFP |
Tổng thống Donald Trump muốn gặp Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ tất cả các thể thức ngoại giao tại Đức nhưng nhiều quan chức Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tỏ ra thận trọng. Các quan chức này khuyến cáo, tốt nhất hai nước nên duy trì khoảng cách trong lúc diễn ra các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Hãng AP cho biết, một số cố vấn của Tổng thống Trump cho rằng, thay vì có cuộc gặp song phương toàn diện, hai nhà lãnh đạo nên gặp gỡ bên lề hội nghị G20 và không kéo dài thời gian; hoặc các phái đoàn hai nước tổ chức “các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược”, vốn thường không có sự tham gia của hai Tổng thống.
Cũng theo AP, khi được hỏi về thông tin Tổng thống Trump muốn có cuộc gặp song phương toàn diện, phát biểu với báo giới ở Mátxcơva, người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin cho biết, các thể thức ngoại giao có tầm quan trọng thứ yếu, bởi hai nhà lãnh đạo tham dự cùng một sự kiện, tại một địa điểm và sẽ có cơ hội gặp nhau. Song, phía Nhà Trắng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc cuộc gặp có diễn ra hay không và cũng không phản hồi các câu hỏi về những quan điểm đối lập trong chính phủ.
Tuần trước, ông Jeh Johnson, Bộ trưởng An ninh nội địa dưới thời Tổng thống Barack Obama nói rằng, Tổng thống Putin đã chỉ đạo trực tiếp các cuộc tấn công mạng nhằm làm gián đoạn và gây bất ổn trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái. Các nhà điều tra của Quốc hội và liên bang cũng đang tiến hành xem xét liệu đội ngũ chiến dịch của ông Trump có “bắt tay” với các điệp viên Nga hay không, mặc dù Mátxcơva kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Ông Trump cũng đã có hàng loạt tuyên bố chỉ trích phản ứng của chính phủ tiền nhiệm đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và nhà lãnh đạo này cho rằng, đó là do phe Dân chủ tạo ra. Trong những tuần đến, ông Trump sẽ có thể đưa ra quyết định về việc phủ quyết dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Trump sẽ không thể đơn phương hành động trong việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà người tiền nhiệm Obama đưa ra. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đề cập việc hàn gắn quan hệ với Nga, vốn rạn nứt dưới thời ông Obama. Chính điều này đã khiến Tổng thống Trump phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc.
Các cuộc gặp song phương thường diễn ra tại những hội nghị thượng đỉnh như G20. Cuộc gặp song phương gần đây nhất giữa Mỹ và Nga là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Putin năm 2015, đánh dấu bằng cái bắt tay khá lúng túng lúc đầu và kết thúc với những tiến triển xung quanh vấn đề Syria.
Kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2017, ông Trump chưa gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Nga, mà chỉ tiếp xúc thông qua điện đàm. Hãng AP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, về cơ bản, một cuộc tiếp xúc thượng đỉnh như vậy là phù hợp, tạo cảm giác gần gũi hơn trong quan hệ giữa Mỹ và Nga, tránh những hiểu lầm không đáng có thường dễ xảy ra trong các cuộc điện đàm. Cũng theo giới quan sát, việc Tổng thống Trump tỏ ra mong muốn gặp gỡ nhà lãnh đạo Nga cho thấy ông chủ Nhà Trắng vẫn muốn hàn gắn và phát triển mối quan hệ với Mátxcơva, bất chấp những rắc rối đang “bủa vây” đội ngũ của ông.
PHÚC NGUYÊN