Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen, Libya… cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar do cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố nhằm gây bất ổn cho khu vực. Đây là sự rạn nứt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua giữa một số cường quốc của thế giới Arab.
Các quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập đóng cửa hàng không với Qatar. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters cho biết, các nước Arab vùng vịnh (Saudi Arabia, UAE, Bahrain) và Ai Cập từ lâu đã chống lại việc Qatar ủng hộ lực lượng Hồi giáo cực đoan, nhất là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo mà họ xem là một kẻ thù chính trị nguy hiểm.
Khởi đầu là Saudi Arabia, nước này ngày 5-6 tuyên bố cắt đứt tất cả các cuộc tiếp xúc trên biển và trên không với Qatar, đồng thời yêu cầu công dân của Riyadh rời Qatar trong vòng 14 ngày. Quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm chiến binh và truyền bá ý thức hệ của lực lượng này. Tiếp đó, Bahrain bất ngờ nói rằng sẽ rút phái đoàn ngoại giao ở thủ đô Doha của Qatar trong vòng 48 giờ và tất cả các nhà ngoại giao Qatar sẽ phải rời khỏi Bahrain cùng thời điểm. Ai Cập và UAE tiếp theo động thái của Saudi Arabia và Bahrain. UAE cho các nhà ngoại giao 48 giờ đồng hồ để rời Qatar.
Trong một động thái phối hợp, Yemen cùng chính phủ được quốc tế công nhận của Libya và Cộng hòa Maldives tham gia cùng các nước trên cắt đứt quan hệ với Qatar. Sự việc đang tạo ra khủng hoảng ngoại giao trong các nước Arab, trong đó nhiều nước là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Không những thế, Qatar cũng bị trục xuất khỏi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống phiến quân tại Yemen.
Hãng hàng không Emirates có trụ sở ở Dubai (UAE), hãng Ethihad Airways tại Abu Dhabi (UAE) thông báo sẽ đình chỉ các chuyến bay tới Qatar. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways cũng đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Saudi Arabia…
Qatar gọi sự quay lưng của các nước là “không công bằng và dựa trên những tuyên bố cũng như cáo buộc vô căn cứ”. Qatar tuyên bố đang đối mặt với một chiến dịch nhằm làm suy yếu nước này, đồng thời bác bỏ cáo buộc quốc gia có dân số chỉ hơn 2,2 triệu người đang can dự vào các vấn đề của những nước khác. AP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar khẳng định chính phủ sẽ thực hiện tất cả giải pháp cần thiết để bảo đảm công dân không bị ảnh hưởng và ngăn chặn thiệt hại đến xã hội và kinh tế. Trong hành động “ăn miếng trả miếng”, Qatar cũng yêu cầu công dân nước này rời UAE trong vòng 14 ngày và những ai không thể trở về trực tiếp Doha thì nên đi qua Kuwait hoặc Oman.
Tại Sydney (Úc), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, rạn nứt ở Trung Đông sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến chống các chiến binh Hồi giáo. Ông cho hay, Washington khuyến khích các đồng minh vùng Vịnh giải quyết những bất đồng.
Theo các nhà quan sát, sự chia rẽ giữa Qatar và những đồng minh thân thiết nhất có thể gây ra những hệ lụy lớn, không chỉ cho Doha mà còn cho Trung Đông và những lợi ích của phương Tây. Khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn rạn nứt kéo dài 8 tháng hồi năm 2014. Lúc đó, Saudi Arabia, Bahrain và UAE rút các đại sứ của mình từ Doha về nước nhằm phản đối việc Qatar ủng hộ Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Qatar kiên quyết bác bỏ nước này ủng hộ tiền cho các nhóm cực đoan. Song, quốc gia nhỏ bé này vẫn là nhà bảo trợ về tài chính chủ yếu cho Hamas - lực lượng kiểm soát dải Gaza và là nhà của thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal từ năm 2012. Các quan chức phương Tây thậm chí cáo buộc Qatar cho phép hoặc khuyến khích tài trợ cho lực lượng cực đoan Sunni như chi nhánh Al-Qaeda ở Syria, được biết với tên gọi Mặt trận Nursa.
Vụ việc lần này đang đe dọa uy tín quốc tế của Qatar, nước đang có căn cứ quân sự lớn của Mỹ với khoảng 10.000 binh sĩ đồn trú, mặc dù trong nhiều năm qua Qatar thể hiện vai trò trung gian hòa giải đối với nhiều vấn đề tranh chấp ở khu vực.
PHÚC NGUYÊN