Trung Đông khủng hoảng ngoại giao: Mâu thuẫn âm ỉ bùng phát

.

Việc 7 quốc gia Trung Đông, dẫn đầu là Saudi Arabia, đột ngột cắt đứt quan hệ với Qatar làm bùng phát sự cố ngoại giao căng thẳng tại khu vực vốn giao thoa nhiều trường phái tôn giáo khác nhau.

Hoàng thân Qatar Emir Sheikh Tamim Bin Hamad al-Thani (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 21-5-2017. 		                   Ảnh: AFP
Hoàng thân Qatar Emir Sheikh Tamim Bin Hamad al-Thani (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 21-5-2017. Ảnh: AFP

Giới quan sát cho rằng, thực tế, mối quan hệ giữa Qatar và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm 6 nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong đó chiếm vị thế chi phối là Saudi Arabia, luôn căng thẳng trong vài năm qua, nay có dịp bùng phát.
Các nước thành viên GCC luôn tin rằng, Qatar có quan điểm quá “mềm mại” với chủ nghĩa khủng bố khi nước này giữ liên hệ thân thiết với phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập và nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine, không chịu tăng cường đóng góp ngân sách cho các chương trình chống khủng bố. Đã thế, gần đây, chính phủ Qatar lại khiến các mối quan hệ bang giao của họ “nóng” thêm một cấp độ nữa khi tạo dựng quan hệ ấm áp hơn với Iran - quốc gia luôn bị Saudi Arabia coi là kẻ thù không đội trời chung.

Sự đổ vỡ hiện tại trong quan hệ giữa Qatar và GCC được châm ngòi từ một bài báo từ vài tuần trước đây cho biết, hoàng thân cầm quyền của Qatar đã ca ngợi Iran như một “thế lực Hồi giáo”. Thông tin được một hãng thông tấn quốc gia Qatar đăng tải và khiến UAE cùng Saudi Arabia lập tức ra lệnh chặn truy cập với các hãng truyền thông của Qatar, trong đó có cả kênh truyền hình Al-Zazeera. Phía Qatar bác bỏ thông tin này, nói đó là “tin giả” và cho rằng họ đã bị tin tặc tấn công. Tuy nhiên, lý giải này không thuyết phục được Saudi Arabia.

Chưa biết chuyện tin tặc tấn công là thật hay giả, nhưng sự cố thông tin bộc lộ những căng thẳng thực tế vẫn ngấm ngầm, dai dẳng ở khu vực vùng Vịnh giữa Qatar và các nước khác. Nguyên nhân cốt lõi được cho là do thái độ ủng hộ của Qatar với các tổ chức Hồi giáo.

Hậu quả của tình trạng cấm vận với Qatar liên quan sự cố ngoại giao nghiêm trọng chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân nước này. Có tới 40% lương thực của Qatar được nhập khẩu từ Saudi Arabia. Vì vậy, lo ngại những căng thẳng ngoại giao có thể kéo dài, nhiều người dân Qatar bắt đầu tích cốc phòng cơ trong những ngày qua. Nhiều siêu thị tại Qatar đã cạn sạch các nhu yếu phẩm cần thiết chỉ vài giờ sau khi có thông tin các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập, Yemen, chính phủ miền đông Libya và Maldives cắt đứt quan hệ với Qatar. Tình trạng này khiến Qatar rơi vào tình thế rất khó khăn. Mặc dù nước này có thể đề nghị Mỹ can thiệp, nhất là khi Washington có một căn cứ không quân ở Qatar - căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông vốn đã và đang được sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống IS tại Syria, nhưng hiện tại Mỹ cũng có những quan điểm trách móc Qatar, và thực tế từ lâu Washington có những ngờ vực nhất định với Qatar về mối quan hệ gần gũi của họ với các phong trào Hồi giáo.

Ngày 6-6, UAE yêu cầu Qatar phải cung cấp một “lộ trình đảm bảo” trước khi nước này cân nhắc hàn gắn quan hệ bang giao giữa hai bên. Trong khi đó, Qatar cho biết sẵn sàng tham gia các nỗ lực hòa giải nhằm xoa dịu căng thẳng và nhất trí để Kuwait làm trung gian hòa giải.

Sự cố ngoại giao nghiêm trọng giữa các đồng minh vùng Vịnh của Washington xảy ra chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump có chuyến thăm Saudi Arabia và kêu gọi sự đoàn kết của mặt trận Hồi giáo thống nhất chống chủ nghĩa cực đoan. Bất kể tình huống rắc rối hiện tại sẽ được giải quyết như thế nào thì những tranh cãi, xung đột giữa Qatar và GCC, cũng như sự bất đồng ngay giữa các nước thành viên GCC về cách thức giải quyết sự cố ngoại giao này, càng chứng tỏ rằng mặt trận Hồi giáo Sunni đoàn kết chống chủ nghĩa khủng bố mà Tổng thống Donald Trump từng ngợi ca hồi tháng trước trên thực tế không tồn tại, và có lẽ không bao giờ tồn tại. Hơn nữa, sự khen ngợi và cổ súy đó của ông Trump dường như càng tạo điều kiện để Saudi Arabia có những động thái công kích với những kẻ thù của nước này, bất kể lớn nhỏ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.