Bị trừng phạt, Nga kiên quyết đáp trả Mỹ

.

Nga yêu cầu Mỹ giảm số nhân viên ngoại giao và không cho phép Washington sử dụng 2 cơ sở tại thủ đô Mátxcơva nhằm đáp trả dự luật trừng phạt vừa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Tổng số nhân viên ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga sẽ giảm còn 455 người.  Trong ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva. 	  		    Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng số nhân viên ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga sẽ giảm còn 455 người. Trong ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva. Ảnh: AFP/Getty Images

Báo New York Times cho biết, Nga đã có bước trả đũa đầu tiên đối với dự luật trừng phạt vừa được Thượng viện Mỹ thông qua. Sự đáp trả này càng làm dấy lên căng thẳng giữa hai cường quốc, mặc dù Điện Kremlin từng khẳng định sẽ không áp đặt bất kỳ trừng phạt nào với Mỹ cho đến khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành dự luật.

Theo đó, ngày 28-7, Nga yêu cầu trong vòng 1 tháng, phía Mỹ phải giảm số nhân viên ngoại giao và kỹ thuật làm việc tại Đại sứ quán ở Mátxcơva, Tổng lãnh sự quán ở Saint Peterburg, Ekaterinburg và Vladivostock phù hợp với số nhân viên ngoại giao và kỹ thuật của Nga làm việc tại Mỹ. Điều đó có nghĩa là, trước ngày 1-9, tổng số nhân viên ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga giảm còn 455 người, bằng với số nhân viên ngoại giao Nga sau khi bị Washington trục xuất 35 người hồi tháng 12-2016. Đồng thời, Nga cũng tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya, thủ đô Mátxcơva, từ ngày 1-8.

Hiện chưa rõ bao nhiêu nhân viên ngoại giao và kỹ thuật của Mỹ phải rời Nga. Theo một quan chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva, có khoảng 1.100 nhân viên thuộc các cơ sở ngoại giao Mỹ ở Nga; trong đó có khoảng 300 công dân Mỹ, còn lại là công dân Nga.

Bộ Ngoại giao Nga đã công bố các biện pháp trả đũa nói trên, chỉ sau một ngày Thượng viện Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt Mátxcơva với số phiếu áp đảo (98 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống). Cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ dự luật này. Động thái của Thượng viện đặt Tổng thống Donald Trump vào thế khó, buộc nhà lãnh đạo Mỹ hoặc phải có quan điểm cứng rắn với Nga, hoặc phủ quyết dự luật và bày tỏ sự tức giận với chính nội bộ đảng Cộng hòa của ông. Trước đó, Hạ viện cũng thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và hạn chế khả năng của ông Trump trong việc loại bỏ những biện pháp này.

Trong một tuyên bố ngày 28-7, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, quyết định của Quốc hội Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt mới khẳng định “sự gây hấn” của Washington trong các vấn đề quốc tế. Ngày 27-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, nước ông đến nay vẫn kiềm chế nhưng sẽ phải trả đũa lại những gì mà ông cho là “ứng xử tồi tệ và không hợp lý” của Mỹ. Quan hệ giữa hai nước xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, do các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống của cường quốc hàng đầu thế giới hồi năm ngoái.

Tháng 12-2016, khi Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga, chính phủ của Tổng thống Barack Obama lúc đó đã ngừng hoạt động của 2 cơ sở ngoại giao Nga (ở New York và Maryland). Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại  giao Nga đề nghị Tổng thống Putin phản ứng bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Điện Kremlin nói rằng, ông sẽ chờ đợi trong nỗ lực xây dựng lòng tin với ông Trump và hy vọng khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng, ông sẽ đảo ngược quyết định này.

Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 28-7 cho biết, quốc gia này sẽ “đóng băng” tài sản của 5 tổ chức và 9 cá nhân liên quan đến CHDCND Triều Tiên, trong đó có 2 công ty Trung Quốc, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ phản đối, mô tả quyết định của Nhật Bản là sai trái và không thể chấp nhận được. “Nếu Nhật Bản khăng khăng làm như vậy thì sẽ tạo ra những rào cản chính trị trong việc hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.

Ngày 28-7, Thượng viện Mỹ phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên và sẽ trình dự luật này để Tổng thống ký ban hành. Theo quy định, Tổng thống Donald Trump không được nới lỏng hoặc xóa các biện pháp trừng phạt nếu không được Quốc hội đồng ý. Lệnh trừng phạt này nhằm trả đũa Nga với cáo buộc Mátxcơva can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và những hành động quân sự ở Ukraine, Syria.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.