Vòng hòa đàm thứ 7 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc giữa chính phủ Syria và phe đối lập được khởi động vào ngày 10-7 tại Geneva (Thụy Sĩ) nhưng có rất ít kỳ vọng tạo ra đột phá. Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, các bên vẫn còn “những khoảng cách quan trọng”.
Thỏa thuận ngừng bắn đang được thực thi ở 3 tỉnh tây nam Syria. TRONG ẢNH: Một chiến binh thuộc lực lượng đối lập điều khiển xe tăng ở tỉnh Quneitra hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: AFP |
Vòng đàm phán ở Geneva được nối lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực ở 3 tỉnh Daraa, Quneitra và Sweida (tây nam Syria) từ ngày 9-7. Thỏa thuận này được sự bảo trợ của Mỹ, Nga và Jordan - thỏa thuận mới nhất đạt được bên ngoài khuôn khổ các vòng đàm phán tại Geneva.
Về nguyên tắc, vòng đàm phán tập trung 4 vấn đề chính, bao gồm một bản hiến pháp mới, quyền điều hành đất nước, các cuộc bầu cử và cuộc chiến chống “khủng bố”. Hãng AFP nhận định, có ít sự kỳ vọng vòng hòa đàm lần này sẽ tạo ra đột phá nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 6 năm ở Syria.
Đến Geneva, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho rằng, các bên vẫn tồn tại “những khoảng cách quan trọng trong những vấn đề lớn” và sức ép về mặt thời gian đã cản trở tiến trình hòa bình. Ông Mistura trước hết gặp gỡ đại diện chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, sau đó gặp đại diện lực lượng đối lập.
Phe đối lập ở Syria vẫn khăng khăng rằng, trong bất kỳ giải pháp chính trị nào cũng phải đề cập việc Tổng thống Assad phải từ chức. Tuy nhiên, chính phủ Damascus khẳng định, các cuộc đàm phán không nên bàn thảo về số phận của ông Assad. Ngoài ra, phe đối lập quyết tâm đạt được sự chuyển đổi chính trị tại Damascus, trong khi chính phủ của ông Assad muốn các cuộc đàm phán phải ưu tiên vấn đề chống khủng bố.
Đàm phán Geneve về vấn đề Syria được bắt đầu vào năm 2014, trải qua nhiều vòng nhưng vẫn không có tiến triển. Vòng đàm phán gần nhất kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà hầu như không đạt được sự đồng thuận để chấm dứt nội chiến vốn bùng phát vào tháng 3-2011, đến nay làm hơn 320.000 người chết tại Syria. Tháng 5-2017, sau các cuộc đàm phán kéo dài ở thủ đô Astana của Kazakhstan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký thỏa thuận về việc thành lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria nhưng thỏa thuận này sau đó đổ vỡ. Phe đối lập ở Syria lo ngại các cuộc đàm phán Astana là cách để các đồng minh của chính phủ Damascus kiểm soát tiến trình hòa đàm.
Mỹ, nước ủng hộ chính đối với lực lượng đối lập ở Syria và là một đối tác trong tiến trình hòa bình, đã có bước lùi đáng kể trong tiến trình ngoại giao kể từ khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng từ tháng 1-2017. Tại Washington, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao nói rằng, Mỹ và Nga có vai trò trong việc chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Trong lúc đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10-7 cho hay, Mátxcơva sẽ tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề Syria. “Chúng tôi sẽ cố gắng, dựa trên nền tảng này, để thúc đẩy các bước đi hơn nữa”, ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo.
Đối với thỏa thuận ngừng bắn đang được các bên liên quan thực thi, tổ chức giám sát nhân quyền Syria (có trụ sở tại London, Anh) cho biết, trong ngày 10-7, các khu vực giới tuyến ở 3 tỉnh Daraa, Quneitra và Sweida hầu như yên tĩnh, nhưng lệnh ngừng bắn vẫn bị vi phạm rải rác ở một số nơi. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn nên được mở rộng ra toàn lãnh thổ Syria.
PHÚC NGUYÊN