Qatar hiện đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới của các nước Arab khi thời hạn cuối để Doha thực hiện yêu sách kết thúc vào tối 2-7 nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng được tháo gỡ.
Qatar đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới của các nước Arab khi không thực hiện bản yêu sách gồm 13 điểm. Trong ảnh: Vịnh Corniche ở Doha. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói rằng, yêu sách do 4 nước Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đặt ra đã bị Doha bác bỏ. Ông Sheikh Mohammed chỉ trích tối hậu thư không nhằm giải quyết vấn đề khủng bố mà làm giảm chủ quyền của nước ông. Song, phát biểu với báo giới tại thành phố Rome của Ý, nhà ngoại giao này tuyên bố Doha sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận những yêu cầu của các nước láng giềng.
Bản yêu sách nói trên gồm 13 điểm được gửi đến Qatar cách đây 11 ngày, trong đó yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, giảm quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar; nếu không Doha sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Sheikh Mohammed, nước ông sẽ không đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera cũng như căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, các nước vùng Vịnh khẳng định những yêu cầu nói trên không thể đàm phán. Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về tính hợp pháp của việc cắt đứt quan hệ ngoại giao và quan hệ lãnh sự với Qatar, khẳng định rằng hành động này dựa trên việc thực hiện các quyền chủ quyền được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế cũng như bảo vệ an ninh quốc gia. Đáp lại, Qatar đang vận động các quốc gia ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại lệnh cấm vận của các nước Arab…
Khủng hoảng vùng Vịnh bùng phát khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như đi lại với Qatar từ ngày 5-6, cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và là đồng minh của Iran - đối thủ “không đội trời chung” của Saudi Arabia. Đáng lưu ý theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề ngoại giao của UAE Anwar Gargash, nếu không thực hiện yêu sách, Qatar có thể phải rời Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước (Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain) - một tổ chức được thành lập vào năm 1981 trong làn sóng cách mạng Hồi giáo Iran và bùng phát chiến tranh Iran - Iraq. Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed cho rằng, GCC được thành lập nhằm bảo vệ các nước khỏi các mối đe dọa khủng bố từ bên ngoài nhưng chính các quốc gia đang phong tỏa Doha lại có mối quan hệ với các nhóm/cá nhân bị cho là khủng bố. “Khi mối đe dọa đến từ bên trong GCC, có sự hoài nghi về tính bền vững của tổ chức này”, ông Sheikh Mohammed nói với báo giới.
Theo Reuters, khủng hoảng nói trên đang tác động đến việc đi lại, nhập khẩu lương thực; làm dấy lên căng thẳng ở vùng Vịnh, tạo sự hoang mang trong các doanh nghiệp; đồng thời đưa Doha xích lại gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Song, khủng hoảng không tác động đến lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Qatar - nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và là nơi có căn cứ quân sự của Mỹ đồn trú.
Hiện chưa rõ các nước Arab sẽ có các bước đi tiếp theo như thế nào trong việc cô lập Qatar sau khi thời hạn cuối của bản yêu sách đã qua. AP cho hay, họ có thể xem xét trừng phạt tài chính, tìm cách phong tỏa các tàu hàng LNG mặc dù động thái này nhiều khả năng khơi mào xung đột. Qatar chưa trả đũa nhưng có thể đóng đường ống dẫn khí tự nhiên đến UAE, trong khi một nửa lượng điện năng của UAE phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu này. Qatar hiện bơm tổng cộng hơn 56,6 triệu m3 nhiên liệu mỗi ngày thông qua đường ống dẫn dưới biển dài 364 km. Khí thiên nhiên đang tiếp tục được bơm sang UAE và Oman thông qua một hệ thống đường ống, chưa có dấu hiệu nguồn cung này sẽ bị ngắt.
VĨNH AN