Israel nhượng bộ để tháo "ngòi nổ"

.

Việc dỡ bỏ tất cả biện pháp an ninh gây tranh cãi tại khu vực ra vào đền Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem là sự nhượng bộ đáng kể của Israel.

Người Palestine tập trung bên ngoài đền Al-Aqsa bày tỏ vui mừng khi Israel dỡ bỏ các biện pháp an ninh tại khu vực này.				                  Ảnh: AP
Người Palestine tập trung bên ngoài đền Al-Aqsa bày tỏ vui mừng khi Israel dỡ bỏ các biện pháp an ninh tại khu vực này. Ảnh: AP

Ngày 27-7, những người Hồi giáo lớn tuổi trở lại cầu nguyện tại đền Al-Aqsa ở Jerusalem sau khi Israel dỡ bỏ tất cả biện pháp an ninh ở khu vực này. Hãng Reuters cho rằng, quyết định nói trên là sự nhượng bộ đáng kể, là động thái “xuống thang” của chính phủ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, sau những nỗ lực ngoại giao của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ tại Trung Đông và áp lực từ các nước ở khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia cùng Jordan.

Căng thẳng ở Jerusalem leo thang khi Israel lắp đặt các máy dò tìm kim loại, camera và hàng rào thép tại quần thể Haram al-Sharif (còn gọi là Núi Đền), trong đó có đền Al-Aqsa và đền Mái Vòm đá. Việc Tel Aviv đưa ra các biện pháp an ninh xuất phát từ cái chết của 2 cảnh sát Israel thiệt mạng trong một vụ tấn công bên ngoài đền Al-Aqsa ngày 14-7; từ đó dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình, xung đột bạo lực trên đường phố Đông Jerusalem. Trong 2 tuần qua, hầu hết những người Hồi giáo từ chối vào quần thể Haram al-Sharif; thay vào đó, họ cầu nguyện trên đường phố xung quanh Thành cổ. Song, giờ đây, những người Hồi giáo lớn tuổi bày tỏ sự hài lòng khi giới chức Israel dỡ bỏ các biện pháp an ninh nên trở lại đền Al-Aqsa. Người Palestine reo hò trên đường phố gần Haram al-Sharif. Trước đó, ngày 25-7, Israel cũng tháo bỏ các máy dò kim loại tại đây.

Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi người Palestine trở lại hành lễ tại Haram al-Sharif. Jordan - nước ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1994 và hiện quản lý quần thể Haram al-Sharif - cho rằng việc Israel dỡ bỏ các biện pháp an ninh là “bước đi cần thiết để xoa dịu tình hình”.

Trong khi đó, Saudi Arabia cho hay, Quốc vương Salman bin Abdulaziz al-Saud của nước này đã liên hệ với Mỹ và các cường quốc khác để tìm cách tháo gỡ căng thẳng. Saudi Arabia cũng kêu gọi tôn trọng sự linh thiêng của khu Haram al-Sharif. Israel là đồng minh đặc biệt của Mỹ, nhưng trong cuộc khủng hoảng tại Đông Jerusalem, Washington nhanh chóng cử đặc phái viên đến Trung Đông nhằm tìm giải pháp hiệu quả bởi không muốn quan hệ giữa các đồng minh tại khu vực rạn nứt.

Chính phủ Israel chưa bình luận về quyết định bất ngờ của mình. Song, các nhà quan sát cho rằng, việc Thủ tướng Netanyahu “xuống thang” sẽ khiến ông phải đối mặt với các thách thức từ những thành viên cánh hữu trong nội các. Bộ trưởng Giáo dục Israel Naftali Bennett, đối thủ chính trị với ông Netanyahu và đảng tham gia liên minh cầm quyền chỉ trích quyết định nói trên. “Israel suy yếu từ cuộc khủng hoảng này”, ông Bennett nói, đồng thời nhấn mạnh: “Thay vì gửi thông điệp về chủ quyền của Israel ở Núi Đền, chính phủ đã gửi thông điệp rằng, chủ quyền của Israel có thể bị xem xét lại”.

Việc kiểm soát Đông Jerusalem, trong đó có khu Thành cổ, vốn bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Tel Aviv với Palestine. Israel tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Jerusalem, mặc dù không được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong khi đó, Palestine khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.

Giới quan sát cho rằng, thực chất bạo lực bùng phát trong những ngày qua sau cái chết của 2 cảnh sát Israel chỉ là “giọt nước tràn ly” của cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Vì vậy, dù Israel hiện “xuống thang” nhưng nguy cơ một cuộc xung đột gay gắt mới ở “chảo lửa” Trung Đông chưa thể lắng dịu, bởi “ngòi nổ” vẫn chưa thật sự được tháo gỡ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.