Mỹ dừng tài trợ cho phe nổi dậy ở Syria

.

Tổng thống Donald Trump chấm dứt chương trình cung cấp vũ khí và huấn luyện bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho lực lượng nổi dậy ôn hòa tại Syria, một “di sản” trong chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.

Lực lượng Mỹ ở miền bắc Syria. 							                     Ảnh: Reuters
Lực lượng Mỹ ở miền bắc Syria. Ảnh: Reuters

Theo giới chức Mỹ, việc chấm dứt chương trình bí mật của CIA phần nào cho thấy mong muốn của Tổng thống Trump trong việc tìm kiếm cách thức để hợp tác với Điện Kremlin, bởi Nga luôn cho rằng quan điểm chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad phương hại tới lợi ích của Mátxcơva.

Chỉ 3 tháng trước, sau khi Mỹ cáo buộc ông Assad sử dụng các loại vũ khí hóa học, ông Trump lập tức phát lệnh không kích trả đũa, phóng một loạt tên lửa nhằm vào căn cứ không quân tại Syria. Thời điểm đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley còn nói: “Chúng ta sẽ không thể thấy được hòa bình tại khu vực này (Syria), nếu ông Assad vẫn còn là người đứng đầu chính phủ Syria”.

Giới chức Mỹ cho biết, ông Trump đã quyết định chấm dứt chương trình bí mật của CIA tại Syria từ gần 1 tháng trước, sau khi gặp Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng trước cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7-7 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức.

Sau cuộc gặp đó, Mỹ và Nga công bố thỏa thuận ngừng bắn mới tại tây nam Syria, dọc biên giới Jordan. Đây cũng là nơi có nhiều lực lượng nổi dậy ôn hòa vốn được CIA “chống lưng” hoạt động trong một thời gian dài. Ông Trump cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn đó là một trong những lợi ích của mối quan hệ mang tính xây dựng với Mátxcơva.

Mặc dù các thương lượng liên quan thỏa thuận ngừng bắn diễn ra suôn sẻ, nhưng giới chức Mỹ khẳng định việc chấm dứt chương trình tài trợ vũ khí của CIA cho lực lượng nổi dậy chống ông Assad không phải là một điều kiện được đưa ra trong những thương thuyết đó. Có thể thấy, ngay trong bối cảnh một loạt cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn đang được Quốc hội và công tố viên độc lập Mỹ tiến hành, mọi động thái hành xử của Tổng thống Trump có chút gì dính líu tới Nga đều bị công luận cũng như chính giới Mỹ “soi” từng chân tơ kẽ tóc. Nhất là trong trường hợp này, quyết định chấm dứt sự hỗ trợ của CIA với lực lượng nổi dậy chắc chắn sẽ được Mátxcơva hoan nghênh. Một số quan chức đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu của Mỹ cho rằng, việc ông Trump dừng chương trình này là sự nhượng bộ quá lớn. “Đây là một quyết định hệ trọng. Ông Putin đã thắng ở Syria”, một quan chức đương nhiệm giấu tên nói.

Với quyết định chấm dứt chương trình của CIA, những can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria hiện nay gồm chiến dịch không kích mạnh mẽ nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chương trình trang bị và huấn luyện do Lầu Năm Góc điều hành nhằm hỗ trợ lực lượng người Kurd đang tấn công các căn cứ của IS tại thành phố Raqqa và dọc thung lũng sông Euphrates.

Sau thất bại của IS tại Mosul (Iraq) và một số khu vực khác, có vẻ như chiến lược lâu dài của chính quyền ông Trump là tập trung kết nối một loạt thỏa thuận ngừng bắn trong khu vực giữa lực lượng do Mỹ ủng hộ, chính phủ Syria và Nga. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, quyết định chấm dứt chương trình của CIA có thể khiến một số nhóm cực đoan hoạt động trong lòng Syria có cơ hội mạnh lên khi làm suy yếu đi lực lượng nổi dậy ôn hòa và phần nào gây tổn hại đến uy tín của nước Mỹ.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, quyết định đó của ông Trump ở một phương diện là sự thừa nhận vị thế của ông Assad tại Syria, giống như quan điểm của ông Ilan Goldenberg, cựu quan chức từng làm việc dưới thời ông Obama và hiện là Giám đốc Chương trình an ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới: “Đó có thể là sự chấp nhận thực tế”.

Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, chương trình của CIA sẽ chấm dứt dần trong vài tháng tới đây. Cũng có thể một số dạng thức ủng hộ của CIA sẽ được chuyển sang cho những sứ mệnh khác như chống IS hoặc giúp các lực lượng nổi dậy ôn hòa có thể tự vệ trước các đợt tấn công. Ông Goldenberg nhận định: “Đây là lực lượng mà chúng ta không thể từ bỏ hoàn toàn. Nếu họ chấm dứt luôn mọi sự hỗ trợ với lực lượng nổi dậy, đó sẽ là một sai lầm chiến lược rất lớn”.

Chương trình hỗ trợ bí mật của CIA từng là một phần trung tâm trong chính sách dưới thời Tổng thống Barack Obama khởi động năm 2013. Khi đó, chính phủ Mỹ muốn gia tăng áp lực buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Dù vậy, khoảng 2 năm sau, khi Nga điều động quân đội tiến hành không kích ở Syria, ngay cả những chính trị gia ủng hộ chương trình bí mật của CIA cũng tỏ thái độ hoài nghi về hiệu quả thực sự của nó.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.