Mỹ "một mình một sân" trong vấn đề khí hậu

Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng hội nghị G20 thành công, tuyên bố chung của hội nghị cho thấy Washington bị cô lập hoàn toàn với các thành phần tham dự còn lại tại G20 trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Cụ thể, trong tuyên bố chung, lãnh đạo 18 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận về quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris của ông Trump. Bên cạnh đó, tuyên bố chung khẳng định cam kết của các thành viên khác trong G20 rằng vẫn sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận “không thể đảo ngược” này.

Trước đó, các quan chức làm nhiệm vụ soạn thảo nội dung tuyên bố chung đã phải làm việc thâu đêm để đạt được sự nhất quán về câu chữ trong bản tuyên bố. Trong ngày đàm phán cuối cùng tại Hamburg (Đức), thế bế tắc về vấn đề chống biến đổi khí hậu vẫn không thay đổi.

Nhưng sự đồng thuận cuối cùng cũng đã đạt được và tuyên bố chung của hội nghị thượng định chính thức được đưa ra ngày 8-7. Tuy nhiên trong đó, riêng về phần chống biến đổi khí hậu, Mỹ khẳng định “cam kết mạnh mẽ tuân thủ hướng tiếp cận giảm phát thải khí carbon, trong khi hỗ trợ phát triển kinh tế và cải thiện nhu cầu an ninh năng lượng”. Nước này cũng tuyên bố “sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác để giúp họ tiếp cận, sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch sạch hơn và hiệu quả hơn”.

Trong khi xu hướng hướng tới của thế giới là các nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo như điện gió, điện mặt trời, Mỹ vẫn đưa ra một thông điệp phần nào đó liên quan nhiều hơn tới lợi ích của quốc gia này. Tháng 5 vừa qua, trang tin QZ của Mỹ cho biết, Washington lần đầu tiên đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 1 triệu thùng dầu/tháng.

Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, một mặt bà chỉ trích quan điểm lập trường của ông Trump trong vấn đề này, nhưng mặt khác bà vẫn hài lòng khi 18 quốc gia còn lại và EU tỏ quan điểm phản đối chuyện đàm phán lại thỏa thuận Paris.

Sau hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, biến đổi khí hậu là một “vấn đề lớn”. Ông Putin đánh giá bà Merkel đã đạt được “một thỏa hiệp tốt”. Ông nói: “Mặc dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận nhưng họ đã chuẩn bị để tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Theo tôi, đây dường như là điểm rất tích cực nhờ những thành công của bà Angela Merkel”.

Tuy nhiên, đúng như những gì lo liệu trước đó của bà Merkel về những tác động tiêu cực của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nước ông có thể sẽ phải tính lại chuyện phê chuẩn thỏa thuận này. Bởi theo ông Erdogan, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận gây tổn hại tới việc hỗ trợ đền bù cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình thực thi thỏa thuận này.

Ông Erdogan cho biết, khi Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận, Pháp từng cam kết Thổ Nhĩ Kỳ là nước thuộc diện được hưởng đền bù cho một số những chi phí tài chính để thực thi thỏa thuận. Ông nói: “Vậy nên chúng tôi nói rằng, nếu điều đó vẫn diễn ra, Quốc hội sẽ thông qua thỏa thuận, nhưng nếu không thì thỏa thuận sẽ không được thông qua”. Cũng theo Tổng thống Erdogan, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thông qua thỏa thuận.

Trong 2 vấn đề gây chia rẽ nhất tại hội nghị G20 lần này, ngoài việc không thể nhượng bộ ông Trump về thỏa thuận khí hậu Paris, rốt cuộc tuyên bố chung cũng phải chấp nhận những chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.