Chính phủ Mỹ sẽ cấm công dân nước này đến CHDCND Triều Tiên. Lệnh cấm sẽ được công bố vào ngày 27-7.
Sinh viên người Mỹ Otto Warmbier qua đời vào tháng 6 vừa qua sau khi trở về từ CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP |
Lệnh cấm công dân Mỹ đến CHDCND Triều Tiên là động thái căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước. Các công ty du lịch Young Pioneer Tours có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Koryo Tours ngày 21-7 đưa ra thông tin về lệnh cấm này, chỉ sau một tháng sinh viên người Mỹ Otto Warmbier trở về từ CHDCND Triều Tiên và qua đời.
Trên trang web của Young Pioneer Tours, công ty này cho biết: “Chúng tôi được thông báo rằng, chính phủ Mỹ sẽ không cho phép công dân Mỹ đến CHDCND Triều Tiên nữa”. Theo Young Pioneer Tours, lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực sau 30 ngày công bố. Khi đó, bất kỳ công dân Mỹ nào đến CHDCND Triều Tiên sẽ bị vô hiệu hóa hộ chiếu. Song, Young Pioneer Tours không cho biết ai/quốc gia nào thông báo về lệnh cấm. Trước đó, công ty này cũng tuyên bố không tiếp nhận công dân Mỹ đến CHDCND Triều Tiên sau cái chết của Warmbier.
Young Pioneer Tours là công ty đưa Warmbier đến Triều Tiên vào năm 2015 trong chuyến đi dự kiến 5 ngày. Song, khi chuẩn bị rời khỏi Triều Tiên, anh bị giữ lại tại cửa an ninh sân bay và sau đó bị kết án 15 năm tù khổ sai. Warmbier trải qua 17 tháng ở Triều Tiên trước khi được phóng thích về nước hồi tháng 6 vừa qua. Chỉ 6 ngày sau khi về nước, anh qua đời.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Koryo Tours, ông Simon Cockerell, nói với hãng AFP rằng công ty này được Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng thông báo về lệnh cấm. Đại sứ quán Thụy Điển là cơ quan thay mặt Mỹ ở Bình Nhưỡng kể từ khi Washington không duy trì mối quan hệ ngoại giao với quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên. Ông Cockerell cho rằng, thông báo chính thức “sẽ cơ bản kết thúc việc du lịch của người Mỹ ở CHDCND Triều Tiên”. Koryo Tours mỗi năm đưa từ 300-400 du khách Mỹ đến Bình Nhưỡng.
Theo AFP, hiện chưa rõ lệnh cấm nói trên có xuất phát từ một sắc lệnh hành pháp của Mỹ hay không. Tiểu ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ cũng dự kiến đưa ra dự thảo luật vào ngày 27-7 cấm công dân Mỹ đến CHDCND Triều Tiên. Tiểu ban này cho hay, ít nhất 17 người Mỹ bị bắt ở Triều Tiên hồi tháng 5 vừa qua và đến nay vẫn còn 3 công dân bị giam giữ. Theo tiểu ban này, việc chính quyền Triều Tiên thường bắt giữ công dân Mỹ nhằm làm công cụ mặc cả khi đàm phán hàng loạt vấn đề, trong đó có chương trình vũ khí hạt nhân. Dự luật nói trên sẽ cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Donald Trump phê chuẩn trước khi trở thành luật.
Hãng AFP cũng cho hay, việc đi du lịch đến CHDCND Triều Tiên phải thông qua một công ty du lịch. Theo quy định, người Mỹ sẽ đáp chuyến bay từ thủ đô Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng, trong khi công dân nước khác được phép đến Triều Tiên bằng tàu hỏa.
Theo luật Mỹ, Ngoại trưởng nước này có quyền yêu cầu hạn chế hộ chiếu đối với du khách muốn đến những nước đang có chiến tranh hoặc có hành động thù địch với Mỹ; hoặc khi có mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến du khách Mỹ.
Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Seoul (Hàn Quốc) chưa bình luận gì về lệnh cấm và người đồng cấp ở Bắc Kinh cho biết, bà sẽ kiểm tra lại thông tin với Washington.
Về phía Hàn Quốc, ngày 21-7, Bộ Quốc phòng nước này kêu gọi Bình Nhưỡng tổ chức các cuộc đàm phán quân sự song phương hướng tới giảm căng thẳng dọc biên giới giữa hai miền. Hàn Quốc đề nghị tiến hành đàm phán vào ngày 21-7 tại làng đình chiến Panmunjom nằm trong khu phi quân sự, nhưng hiện CHDCND Triều Tiên vẫn giữ im lặng.
PHÚC NGUYÊN