Châu Âu cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga có thể làm tổn hại lợi ích của lục địa này, nhất là các dự án năng lượng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) tháng 6 vừa qua. Ảnh: AP |
Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 26-7 khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hành động phù hợp “trong vòng vài ngày” nếu Mỹ áp đặt các biện pháp mới trừng phạt Nga làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khối. Ông Juncker đề cập mối quan ngại của EC và nhấn mạnh: “Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là lợi ích của châu Âu đến sau cùng”.
Phát biểu của ông Juncker được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên, với số phiếu áp đảo (419 phiếu ủng hộ, 3 phiếu phản đối), bất chấp sự không đồng tình của Tổng thống Donald Trump. Theo đó, các nghị sĩ Mỹ siết chặt trừng phạt Nga bởi cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và các cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng như Syria. Trong khi đó, Iran và CHDCND Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan gọi dự luật là “một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử” nhằm “giữ nước Mỹ an toàn”. Nhà Trắng cho hay, dự luật còn phải được Thượng viện và Tổng thống Trump thông qua. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng phải được sự đồng ý của Quốc hội trước khi muốn nới lỏng hay chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, dù nhà lãnh đạo Mỹ bác bỏ dự luật thì vẫn có thể bị Quốc hội phủ quyết. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Bob Corker, không chắc chắn dự luật sẽ được phê chuẩn tại Thượng viện. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nói rằng, ông muốn biện pháp trừng phạt được thông qua và gửi đến Tổng thống Trump “mà không bị trì hoãn”.
Nga và một số quốc gia châu Âu cảnh báo quan hệ giữa Washington với Mátxcơva và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu Tổng thống Trump ký ban hành dự luật này. Từ Paris đến Berlin đều xem dự luật là hành động đơn phương của Washington “làm gián đoạn một trật tự”. Các nước EU cũng nhóm họp ngay trong ngày 26-7 tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo về phản ứng phù hợp.
Châu Âu lo ngại dự luật có thể gây ảnh hưởng đến các công ty của lục địa này, chẳng hạn dẫn đến việc phạt tiền những công ty đã giúp Nga xây dựng các đường ống dẫn khí như dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 9,5 tỷ euro. Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng 2 đường ống dẫn dầu nối Nga với Đức đi qua biển Baltic với tổng công suất 55 tỷ m3/năm, dự kiến được hoàn thành trước khi kết thúc năm 2019. Dự án này nhận được sự ủng hộ của 6 nhà khai thác hệ thống vận chuyển khí đốt ở Đức, Áo và Cộng hòa Czech.
Hãng AFP cho biết, Nga phản ứng tức giận đối với quyết định của Hạ viện Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định trước đó Mátxcơva đã cảnh báo Washington “hàng chục lần” rằng, bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào cũng sẽ “không nhận được câu trả lời”. Theo ông, các biện pháp trừng phạt này khép lại cơ hội cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ trong tương lai gần và đưa mối quan hệ song phương xuống mức thấp chưa từng có. Thậm chí, ông mô tả: “Tư tưởng bài Nga, vốn tràn ngập trong toàn bộ Quốc hội Mỹ, không hề có dấu hiệu giảm đi”. “Các tác giả và những người bảo trợ dự luật này đang có các bước đi rất nghiêm trọng nhằm phá hoại khả năng bình thường hóa quan hệ với Nga”, ông Ryabkov nói với hãng TASS.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga Frants Klintsevich cảnh báo, các biện pháp trừng phạt mới có thể làm tổn hại những nỗ lực của Mátxcơva trong việc hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Hiện tại, Mátxcơva chờ phản ứng của ông chủ Nhà Trắng.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ với Nga. Song, việc Điện Kremlin bị “tố” can thiệp vào bầu cử Mỹ cản trở ông Trump muốn “bắt tay” với Nga.
Giới chức Nga nhận định: Với phản ứng của Hạ viện Mỹ lần này, các đối thủ chính trị của Tổng thống Trump đã thành công trong việc giảm xuống mức thấp nhất khả năng can thiệp của ông trong các vấn đề liên quan đến Mátxcơva.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26-7 tuyên bố nước ông sẽ đáp trả nếu dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua, áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran, chính thức trở thành luật. Hãng AP cho biết, trong cuộc họp nội các, ông Rouhani nói rằng, Iran sẽ có “hành động cần thiết vì tiến bộ và lợi ích của đất nước”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchic cũng khẳng định quyết định của Quốc hội Mỹ “rõ ràng là hành động thù địch, chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran và sẽ phải nhận sự đáp trả dứt khoát”. |
"Nước Mỹ trên hết không có nghĩa là lợi ích của châu Âu đến sau cùng” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker |
PHÚC NGUYÊN