Một thỏa thuận tốt nhất là điều mà chính phủ Anh cần trong tiến trình đàm phán về việc rời Liên minh châu Âu (EU). Đó cũng là thông điệp mà đại diện Anh mang đến Brussels (Bỉ) để bắt đầu vòng đàm phán thứ hai từ ngày 17-7.
Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis (trái) và Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier gặp gỡ tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels ngày 17-7. Ảnh: AFP |
Vòng đàm phán thứ hai về vấn đề Brexit kéo dài 4 ngày, từ ngày 17-7. Theo đó, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis gặp gỡ Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier để thúc đẩy một thỏa thuận cho xứ sở sương mù rời khỏi khối dự kiến vào tháng 3-2019.
Hãng AFP cho biết, các nội dung được Anh và EU đề cập là những vấn đề chính xung quanh quyền công dân; khoản tiền mà Anh phải trả cho EU theo cam kết (khoảng 60 tỷ euro, tương đương 70 tỷ USD); các vấn đề liên quan đến đường biên giới với Cộng hòa Ireland; một số vấn đề khác, trong đó có số phận của các loại hàng hóa Anh trên các cửa hàng của EU trong ngày Brexit. Ông Barnier từng cho rằng, các vấn đề nói trên là những điều kiện không thể tách rời và ràng buộc với nhau.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ đề cập những quan ngại cụ thể như: tương lai của Anh trong Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) - cơ quan an toàn hạt nhân của EU, và vai trò của Tòa án Công lý châu Âu - tòa án cao nhất của liên minh.
Cũng theo AFP, đến Brussels lần này, ông Davis bày tỏ hy vọng sẽ đàm phán thành công và cho rằng, quan trọng là đạt được tiến triển tốt đẹp, đàm phán suôn sẻ, xác định được những điểm tương đồng và khác biệt. Vị đại diện Anh nhấn mạnh: “Hai bên đã có sự khởi động tốt hồi tháng trước và tuần này hai bên sẽ đạt được kết quả thực chất”. Tháng 6 vừa qua, các cuộc đàm phán Brexit đã chính thức được khởi động nhưng chỉ diễn ra vỏn vẹn 1 ngày với việc hai bên thống nhất các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán. Theo đó, đàm phán sẽ được tổ chức 1 lần/tháng từ ngày 17-7 đến 9-10; đến mùa thu, hai bên sẽ chuyển sang giai đoạn đàm phán về các nội dung liên quan đến quan hệ thương mại trong tương lai.
Trong những tuần gần đây, EU kêu gọi chính phủ Anh thay đổi quan điểm, cần “mềm hóa” vấn đề Brexit. Châu Âu chỉ trích London muốn một Brexit “cứng”, thay vì một Brexit “mềm” sau một năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý gây sốc cho cả châu lục.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người ủng hộ Brexit, cũng có mặt tại Brussels ngày 17-7 để có các cuộc gặp riêng rẽ với 27 người đồng cấp EU. Ông hy vọng khối này sẽ chấp nhận “đề nghị rất công bằng và nghiêm túc” về quyền của công dân EU tại Anh. Quy chế pháp lý cho gần 3 triệu công dân các thành viên EU đang sống và làm việc ở Anh là một trong những quan tâm hàng đầu của EU trong đàm phán Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May từng đề nghị, tính đến ngày 29-3-2017, những người đã lưu trú thường xuyên ở Anh trong 5 năm sẽ được phép lưu trú dài hạn và có đầy đủ quyền lợi như lâu nay; những người chưa lưu trú thường xuyên đủ 5 năm cũng vẫn sẽ được ở lại.
Song, các nhà quan sát cho rằng, riêng nội dung đàm phán về 60 tỷ euro mà Anh phải trả cho EU sẽ gặp khó khăn. Hồi tuần trước, ông Johnson cũng nhận định, số tiền EU muốn Anh phải trả khi ra khỏi khối là quá lớn. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng, nước Anh cần tối đa hóa sự cân bằng trong đàm phán để mang lại một thỏa thuận tốt nhất.
Ông Barnier cảnh báo, đàm phán phải kết thúc vào tháng 10-2018 để các bên có thời gian phê chuẩn thỏa thuận cuối cùng vào tháng 3-2019. Song, khi Anh và EU chưa dàn xếp được bất đồng, không tìm được tiếng nói chung thì chưa có gì bảo đảm lộ trình Brexit diễn ra đúng dự kiến và xứ sở sương mù sẽ khó có được “một thỏa thuận tốt nhất”, như mong muốn của Thủ tướng May và các quan chức của bà.
PHÚC NGUYÊN