Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

.

Ngày 4-7, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của nước này. Tuyên bố này mâu thuẫn với các thông tin ban đầu từ Mỹ rằng vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng chỉ là thử tên lửa đạn đạo tầm trung.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thử mang tên Hwasong-14, đạt độ cao 2.802km, bay xa 933km. 								Ảnh: Getty Images
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thử mang tên Hwasong-14, đạt độ cao 2.802km, bay xa 933km. Ảnh: Getty Images

CHDCND Triều Tiên thông báo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thử mang tên Hwasong-14, đạt độ cao 2.802km, bay xa 933km và đã tấn công trúng mục tiêu trên vùng biển phía đông sau khi bay 39 phút.

Nếu thông tin về vụ phóng thử ICBM đầu tiên được xác nhận, đây sẽ là sự kiện mang tính bước ngoặt khác trong diễn tiến các sự kiện liên quan tới CHDCND Triều Tiên. Theo đánh giá của giới chuyên gia, vụ thử tên lửa ngày 4-7 có thể là lần thử thành công nhất từ trước đến nay của CHDCND Triều Tiên. Đài Fox News dẫn ý kiến của một chuyên gia vũ khí cho rằng, tên lửa được Bình Nhưỡng phóng đi ngày 4-7 có đủ uy lực để chạm tới vùng Alaska của Mỹ.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ xác định đây là tên lửa đạn đạo tầm trung, chứ không phải ICBM và không gây nguy cơ đối với khu vực Bắc Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho rằng, tên lửa được phóng là loại tên lửa tầm trung và không đặt mối đe dọa với Mátxcơva.

Việc CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa diễn ra ngay trong bối cảnh nguyên thủ các nước chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg (Đức) tuần này. Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc để tiếp tục thảo luận thấu đáo hơn về vấn đề Triều Tiên.

Thực tế, nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc, những áp lực cần thiết đủ uy lực gây tác động tới nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ khó khả thi. Trong khi đó, lối tiếp cận vấn đề theo hướng đàm phán, điều mà ông Tập Cận Bình cũng như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn chủ trương thúc đẩy, lại không phải là bước đi mà ông Trump thực sự mong muốn, nhất là sau cái chết của sinh viên người Mỹ Otto F. Warmbier - người đã bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ và kết án 15 năm tù khổ sai.

Tuy nhiên, một đường lối tiếp cận theo kiểu đơn phương hành động như ông Trump sẽ càng chọc giận Trung Quốc. Bởi lẽ, nếu tiến hành theo cách đó, Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt với một loạt ngân hàng và công ty Trung Quốc thuộc “danh sách đen” vì có làm ăn với CHDCND Triều Tiên. Tuần qua, Mỹ đã bắt đầu cụ thể hóa một cách “khiêm tốn” phương thức này bằng việc xếp 4 thực thể và cá nhân Trung Quốc vào “danh sách đen”.

Một ngày sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Lưu Kết Nhất cảnh báo, căng thẳng với CHDCND Triều Tiên có thể “vượt ra ngoài tầm kiểm soát” nếu các cường quốc không thể tìm ra giải pháp nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng với quốc gia này. Ông Lưu Kết Nhất nêu quan điểm tại một cuộc họp báo ở trụ sở của LHQ khi Trung Quốc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7: “Các căng thẳng đang ở mức rất cao và chúng ta chắc chắn cần thấy sự giảm nhiệt. Nếu căng thẳng chỉ tiếp tục tăng…, khi đó chẳng sớm thì muộn nó cũng vượt khỏi tầm kiểm soát và hậu quả sẽ rất khủng khiếp”.

Trung Quốc đang thúc giục đàm phán nhằm xóa bỏ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sau khi quốc gia láng giềng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân năm ngoái và một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo năm nay. Bắc Kinh cũng đề xuất, để có thể tạm ngưng chương trình quân sự của Bình Nhưỡng, phía Washington và Seoul nên dừng tập trận chung. Tuy nhiên, đề nghị này chưa nhận được sự ủng hộ của các bên. Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm Washington chỉ đối thoại nếu Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và tên lửa.

Mô tả cuộc khủng hoảng với CHDCND Triều Tiên là “rất, rất nghiêm trọng”, ông Lưu Kết Nhất cho rằng, các bên nên “sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ những đề xuất này”. Ông nói: “Chúng ta không thể chờ đợi quá lâu mà không thể thể tiến hành đối thoại”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.