Vết thương chiến tranh dai dẳng trên đất nước Triều Tiên

.

Hàng trăm tấn bom đã bị thả xuống Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), tương đương với tổng khối lượng bom mà Mỹ và Nhật Bản sử dụng trong Thế chiến 2.

Một công trường tại thành phố Hamhung, Triều Tiên, nơi các công nhân phát hiện một quả pháo cối hồi tháng 2. (Ảnh: AP)
Một công trường tại thành phố Hamhung, Triều Tiên, nơi các công nhân phát hiện một quả pháo cối hồi tháng 2. (Ảnh: AP)

 “Hơn 100 năm mới đào hết được bom”

"Các chuyên gia nói rằng phải mất 100 năm để dọn dẹp sạch bom mìn chưa nổ, nhưng tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian hơn thế", Thiếu tá Jong Il-hyon, người tham gia đội tìm kiếm và bom mìn, cho hay.

Trong 10 năm tham gia tìm kiếm những vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất tại Triều Tiên, 5 người đồng nghiệp của ông Jong đã bị tai nạn và thiệt mạng. Bản thân ông Jong cũng còn 1 vết sẹo trên má trái sau một vụ xử lý bom bị sự cố.

Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 64 năm về trước, trong vòng 3 năm Mỹ cùng đồng minh đã dội xuống Triều Tiên lượng bom bằng tổng số bom Mỹ đã ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2. Các chuyên gia cho biết có lẽ phải mất 1 thế kỷ mới có thể tìm kiếm được hết những gì còn sót lại nhưng với Thiếu tá Jong ông cho rằng sẽ mất nhiều hơn thế.

Tháng 10 năm ngoái, 370 vật thể phát nổ đã tìm thấy xung quanh một sân trường tiểu học tại thành phố Hamhung, thành phố lớn thứ 2 Triều Tiên. Theo ông Jong, đơn vị của ông, một trong 9 đơn vị như vậy tại Triều Tiên, đã xử lý khoảng 2.900 vật thể nổ sót lại bao gồm: bom, súng cối, đầu đạn tên lửa. Chỉ riêng trong năm nay, đơn vị này đã vô hiệu hóa khoảng 1.200 vật liệu nổ.

Tại Bình Nhưỡng, có khoảng 400.000 quả bom đã bị ném xuống, với tỉ lệ 1 quả bom trên 1 người dân thời điểm bấy giờ. Sau khi hiệp định ngừng bắn được ký, chỉ còn duy nhất 2 tòa nhà cao tầng ở Bình Nhưỡng còn trụ lại được. Mỹ và đồng minh đã ném khoảng 635.000 tấn bom xuống 2 miền Triều Tiên, trong đó chủ yếu xuống miền Bắc, khiến 12-15% dân số Triều Tiên thiệt mạng trong chiến tranh. Triều Tiên có lẽ chỉ đứng sau Campuchia trong danh sách những quốc gia bị bom đạn tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử.

Nỗi đau chiến tranh vẫn chưa dừng lại

Những người như Thiếu tá Jong và đồng đội của ông đang ngày đêm tìm kiếm và giải quyết những vết thương chiến tranh, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Ngoài việc chủ động đi tìm kiếm, biệt đội phá bom cũng có mặt khi người dân hoặc chính quyền thông báo về vật thể tình nghi bom. Họ cũng làm những công việc giáo dục người dân và đặc biệt trẻ em về mối nguy hiểm của “án tử hình” treo lơ lửng.

Tháng 3 năm nay, các nông dân đã tìm thấy một quả bom khi đang đào kênh tưới tiêu gần tuyến đường sắt Hamhung với Bình Nhưỡng. Xưa kia, nơi đây trở thành mục tiêu ném bom do tuyến đường này vẫn có ở đây từ thời chiến tranh tới giờ. Sau khi biệt đội bom mìn xử lý xong, khu vực biến thành một hố sâu 3m.

Tuy nhiên, một số quả bom không dễ dàng nhận thấy với mắt thường của những người không được huấn luyện. Ông Jong kể rằng có rất nhiều nhưng quả bom kì lạ và lấy ví dụ một quả bom bươm bướm. Khi quả bom mẹ rơi xuống, những quả bom con sẽ bay ra một khu vực rộng lớn. Một số quả bom khác càng để lâu càng nguy hiểm, vì khi kíp nổ bị gỉ quả bom có thể sẽ bùng nổ với tác động nhẹ nhất.

Trong vài năm qua, chỉ có một vài trường hợp bị thương do bom đạn phát nổ, nhưng di chứng của những thương tật đôi khi lại làm nạn nhân tàn tật cả đời. Tháng 5 vừa qua, một cậu bé 11 tuổi đã nhặt được một quả bom và mất vài ngón tay khi “vật thể lạ” phát nổ.

Ông Jong Il-hyon cho biết: “Tới thế hệ con gái tôi, chúng sẽ vẫn phải đối mặt với vấn đề bom đạn. Tôi chỉ muốn thế giới biết về điều này”.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.