755 nhà ngoại giao Mỹ phải rời Nga

.

Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin​ về việc 755 nhà ngoại giao Mỹ phải rời Nga làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước. Đây là sự đáp trả của Điện Kremlin đối với lệnh trừng phạt từ Washington.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức được kỳ vọng phần nào tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, hiện Mỹ và Nga có những động thái “ăn miếng trả miếng”.  							    Ảnh: Reuters
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức được kỳ vọng phần nào tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, hiện Mỹ và Nga có những động thái “ăn miếng trả miếng”. Ảnh: Reuters

Hãng AP cho biết, Tổng thống Vladimir Putin​ đã yêu cầu Mỹ phải cắt giảm 755 nhân viên Đại sứ quán và lãnh sự tại Nga. Tuyên bố này được đưa ra sau 3 ngày Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt Nga và chỉ vài giờ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Estonia, giáp biên giới với Nga.
Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1, Tổng thống Putin nói rằng, Nga đang để ngỏ hợp tác với Mỹ trong nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chống khủng bố và tội phạm mạng, nhưng thay vào đó nước ông “chỉ nghe các cáo buộc vô căn cứ về việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Mỹ”. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin cho hay, hơn 1.000 người đang làm việc ở Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva và 3 lãnh sự quán ở St. Petersburg, Vladivostok, Yekaterinburg; trong đó có cả công dân Mỹ và công dân Nga. Song, ông Putin không lý giải con số 755 nhân viên phải rời Nga được tính toán dựa trên cơ sở nào.

Bộ Ngoại giao Mỹ gọi động thái của ông Putin là “hành động đáng tiếc và không cần thiết”. Cơ quan này không đưa ra chính xác số lượng nhà ngoại giao và các quan chức khác của Mỹ đang ở Nga. Tuy nhiên, theo AP, con số này được cho là khoảng 400 người.

Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu trước ngày 1-9 Mỹ phải cắt giảm sự hiện diện ngoại giao ở Nga xuống còn 455 người, bằng với con số nhân viên ngoại giao Nga ở Mỹ; đồng thời tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Mátxcơva từ ngày 1-8.

Thực tế, những đòn “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Nga xuất phát từ thời của Tổng thống Barack Obama. Phản ứng trước thông tin cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Obama đã ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ sở của Mátxcơva ở Mỹ.

Trong khi đó, có mặt tại thủ đô Tallinn của Estonia ngày 31-7, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định việc cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao ở Nga sẽ không làm giảm cam kết của Washington đối với các đồng minh. “Chúng tôi hy vọng những ngày tốt hơn, những mối quan hệ tốt hơn với Nga, nhưng động thái ngoại giao gần đây của Mátxcơva sẽ không làm giảm cam kết của Mỹ đối với an ninh của chúng tôi, an ninh của các đồng minh và an ninh của các quốc gia yêu tự do trên thế giới”, ông Pence nói. Phó Tổng thống Mỹ đồng thời khẳng định ông chủ Nhà Trắng sẽ sớm ký ban hành thành luật trừng phạt Nga.

Hãng AP cũng cho hay, tuy có sự đáp trả cứng rắn nhưng Nga cũng để ngỏ việc hàn gắn quan hệ song phương. Trả lời báo giới tại Mátxcơva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, để bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ, Washington phải có thiện chí, cần thiết là sự thể hiện ý chí chính trị, chấn chỉnh quan hệ và từ bỏ những mưu toan cưỡng ép trừng phạt. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, diễn biến mới nhất cho thấy, những hy vọng trước đó về việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống đã kết thúc.

Châu Âu hiện cũng lo ngại sự trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga có thể gây phương hại đến các doanh nghiệp của châu lục này. Vì vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries thúc giục Ủy ban châu Âu cân nhắc các biện pháp đáp trả. “Chúng tôi xem các lệnh trừng phạt của Mỹ là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Chúng tôi đương nhiên không muốn một cuộc chiến thương mại. Điều quan trọng là Ủy ban châu Âu cần xem xét các biện pháp đáp trả”, vị Bộ trưởng này nói.

Ngày 27-7, với số phiếu áp đảo (98 phiếu thuận, 2 phiếu chống), Thượng viện Mỹ đã thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, CHDCND Triều Tiên và Iran. Dự luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn thành luật.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.