ASEAN - Trung Quốc thông qua dự thảo khung COC

Khởi đầu tích cực cho tiến trình đàm phán

.

Việc thông qua dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ hai, từ trái sang) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Úc ngày 6-8.  	                           Ảnh: AP
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ hai, từ trái sang) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Úc ngày 6-8. Ảnh: AP

Chiều 6-8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) diễn ra tại thủ đô Manila (Philippines), các nước ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC sau gần 4 năm khởi động đàm phán. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đây là sự khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng COC thực chất và hiệu quả sau này. Văn kiện này sẽ được trình các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nhấn mạnh, dự thảo khung COC được coi là một “phác thảo” định nghĩa bản chất của COC, trong đó nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như “cách hành xử của các nước trong khu vực”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý; đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; các nước cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định: Xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thỏa đáng về Biển Đông một mặt là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực; mặt khác chính là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, các nước chia sẻ nhận thức chung về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh hiện nay, nhất là đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Các nước nhất trí cho rằng, cần đóng góp hiệu quả và thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, thông qua kiềm chế, xây dựng lòng tin, nhất là cần tránh các hành động có thể gây phương hại tới hòa bình, ổn định trong khu vực này, trong đó có bồi đắp, tôn tạo và quân sự hóa các thực thể trên biển.

Cũng tại hội nghị, thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế, các bộ trưởng chia sẻ quan ngại về các các thách thức an ninh chung ở khu vực, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó có sự gia tăng của nạn khủng bố và cướp biển, tình hình trên bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực, các nước cam kết gia tăng nỗ lực đối thoại, hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời nâng cao tính “tự cường” của ASEAN trong xử lý các thách thức này.

Về các vấn đề an ninh phi truyền thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu bật những ảnh hưởng tiêu cực của khủng bố và cướp biển đối với an ninh, ổn định xã hội ở khu vực, khẳng định cam kết Việt Nam sẽ cùng ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong các cơ chế và khuôn khổ khu vực để ứng phó với các vấn đề này.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.