Văn phòng An ninh Nội địa đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, ngày 10/8 cho biết nếu Triều Tiên tấn công, các tên lửa của nước này sẽ mất 14 phút để bay đến Guam và đây cũng là thời gian để hệ thống cảnh báo trên đảo báo động người dân.
Máy bay B-1B Lancer của Không quân Mỹ được triển khai tại căn cứ không quân Andersen, Guam ngày 8/8. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Người phát ngôn văn phòng trên, bà Jenna Gaminde cho biết trong trường hợp khẩn cấp, hệ thống cảnh báo nguy hiểm của hòn đảo này sẽ báo động người dân thông qua mạng lưới các loa phóng thanh. Hệ thống cảnh báo này đã được lắp đặt từ năm 2014 nhiều địa điểm trên toàn đảo Guam, sẵn sàng báo động trong mọi tình huống khẩn cấp như nguy cơ xảy ra sóng thần, động đất, lũ lụt...
Văn phòng An ninh Nội địa sẽ nhận thông báo của quân đội và sử dụng tối đa mọi hình thức thông tin công cộng để báo động người dân trong thời gian nhanh nhất. Ông cũng khuyến cáo người dân cần theo dõi các phương tiện truyền thông địa phương để có thêm các chỉ dẫn trong trường hợp báo động an ninh.
Trong khi đó, quân đội trên đảo đang duy trì tình trạng trực chiến. Theo Liên đoàn Ủng hộ phòng thủ chống tên lửa (MDAA), một tổ chức phi lợi nhuận vận động sự ủng hộ của người dân đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Mỹ, đảo Guam được một hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ.
Hệ thống này được triển khai thường trực và thuộc quyền kiểm soát của Bộ Phòng thủ tại căn cứ không quân Andersen, với Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống radar AN/TPY-2.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố nước này sẽ “kích hoạt” hiệp ước an ninh ANZUS lần thứ hai trong lịch sử trong trường hợp Triều Tiên tấn công Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tổng thống Turnbull đã đưa ra tuyên bố trên trong một bài phát biểu trên đài phát thanh 3WA ngày 11/8 ở Melbourne. Hiệp ước ANZUS đã được cựu Thủ tướng John Howard kích hoạt lần đầu tiên sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.
Cũng trong bài phát biểu trên, ông Turnbull đã bác bỏ lời kêu gọi của 2 cựu Thủ tướng Tony Abbott và Kevin Rudd về việc Australia nên phát triển một lá chắn phòng thủ tên lửa để bảo vệ lục địa này trước những nguy cơ từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Cùng ngày 11/8, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong và người đồng cấp Mỹ H.R. McMaster đã nhất trí thảo luận trước những bước đi mà 2 nước sẽ áp dụng nhằm kiềm chế Triều Tiên.
Thỏa thuận này đạt được trong cuộc điện đàm giữa 2 quan chức trên, cho thấy Mỹ sẽ không tấn công phủ đầu Triều Tiên mà không báo trước cho Hàn Quốc.
Hai bên cũng tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ và minh bạch về những bước sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn để góp phần đảm bảo an ninh và an toàn cho cả Hàn Quốc và Mỹ cũng như người dân 2 nước.
Theo Vietnam+