Những màn đôi co nảy lửa giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong tuần qua làm dấy lên lo ngại rằng hai quốc gia này đang tiến đến xung đột.
Hình ảnh trên truyền hình tại nhà ga tàu ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) cho thấy khoảng cách giữa CHDCND Triều Tiên và đảo Guam khoảng 3.500km. Ảnh: AFP |
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry cho rằng, “khẩu chiến” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên trở nên gay gắt và hai quốc gia này đang tiến đến “một số hình thức xung đột”.
Ông Perry giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1994-1997 và cũng từng trải qua nhiều năm đàm phán với CHDCND Triều Tiên sau khi được cử làm đặc sứ tại Bình Nhưỡng năm 1999, dưới thời Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton. Ông Perry đã được giao nhiệm vụ tạo một thỏa thuận có tính đột phá với CHDCND Triều Tiên để quốc gia này không phát triển kho vũ khí hạt nhân; đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được các lợi ích kinh tế và không bị trừng phạt. Ông nói rằng mình sắp hoàn thành sứ mệnh, nhưng khi ông G.W.Bush trở thành Tổng thống vào năm 2000 đã đóng cửa các cuộc đàm phán.
Giờ đây, ông Perry cho rằng, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có vị thế mạnh hơn ở một đất nước phát triển vũ khí hạt nhân và căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ với Bình Nhưỡng hướng đến “một số hình thức xung đột”. “Ngay cả một cuộc xung đột quân sự nhỏ cũng có thể gây thiệt hại đáng kể cho Hàn Quốc và với một cuộc xung đột lớn, một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác - thậm chí một cuộc chiến tranh thông thường, chúng ta có thể dễ dàng thấy 1 triệu người thương vong”, ông Perry nói. Vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nhận định: Khi CHDCND Triều Tiên bắt đầu thua trong một cuộc chiến tranh thông thường, nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân vào phút cuối.
Trong khi đó, theo báo New York Times, tên lửa của Triều Tiên không chỉ đe dọa các đồng minh khu vực, các căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam mà còn có thể đe dọa nhiều bang của Mỹ. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự liên quan chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hiện rất cao. Ông Lavrov bày tỏ lo lắng vì những lời đe dọa tấn công qua lại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tuần qua, màn đôi co giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên liên tục diễn ra, bắt đầu từ việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đáp trả bằng “hỏa lực, cuồng nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy” nếu Mỹ tiếp tục bị đe dọa. Đáp lại, Bình Nhưỡng dọa sẽ tấn công đảo Guam - lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương - bằng tên lửa đạn đạo tầm trung vào giữa tháng 8 này và chỉ còn chờ nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát lệnh. Ông Trump ngay lập tức cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chớ có bất kỳ hành động nào nhằm vào Mỹ, các vùng lãnh thổ nước này như Guam hay các đồng minh của Washington; đồng thời nói rằng phương án quân sự với CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng.
Tiếp đó, CHDCND Triều Tiên “nắn gân” rằng, sẽ tiêu diệt nước Mỹ, cam kết sử dụng những người trẻ tuổi nước này để “thổi bay nước Mỹ khỏi hành tinh”. Còn ông Trump trên Twitter viết: “Các giải pháp quân sự đã được chuẩn bị chu toàn, khóa (mục tiêu) và nạp (đạn đầy đủ), nếu CHDCND Triều Tiên hành động dại dột. Hy vọng ông Kim Jong-un sẽ tìm ra một con đường khác”.
Đây là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên chỉ đích danh đảo Guam là mục tiêu cân nhắc tấn công, thay vì những lời cảnh báo chung chung trước đó. Giáo sư về Khoa học chính trị Derek Bolton ở Trường Đại học Bath (Úc) nhận định: Việc CHDCND Triều Tiên đưa ra những lời đe dọa không phải là điều mới mẻ nhưng nổi lên một nhân tố mới tiềm tàng nguy hiểm, đó là sự tham gia của Tổng thống Trump vào những lời đe dọa. Báo chí Mỹ cũng bình luận, việc ông chủ Nhà Trắng dùng cụm từ “khóa và nạp” (locked and loaded) trên Twitter cho thấy, “khẩu chiến” sẽ không dừng lại và nguy cơ xung đột có thể xảy ra.
Ngày 12-8, Tổng thống Trump cam kết bảo vệ đảo Guam và những vùng lãnh thổ còn lại của Mỹ. Guam chỉ là hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương với khoảng 163.000 người dân và một căn cứ quân sự của Mỹ gồm một đội tàu ngầm, một căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển đồn trú. Hiện Mỹ duy trì khoảng 6.000 binh sĩ ở các căn cứ trên Guam và con số này sẽ tiếp tục tăng.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ triệu tập phiên họp bất thường vào hôm nay (14-8) nhằm thảo luận về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phối hợp nhằm đưa CHDCND Triều Tiên tiếp tục con đường đối thoại mà không kèm bất kỳ điều kiện nào. |
VĨNH AN