Quân đội Triều Tiên đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch chi tiết cho việc tấn công thị uy đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Triều Tiên đã thách thức lời đe dọa “bão lửa và cuồng nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, coi lời cảnh báo đó của ông Trump chỉ “toàn những điều vớ vẩn”.
Một bản tin truyền hình ở Seoul, Hàn Quốc, cho thấy khoảng cách từ Triều Tiên tới đảo Guam. Ảnh: Getty. |
Triều Tiên cũng công bố có một kế hoạch chi tiết về việc phóng tên lửa vào vùng biển sát vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Một thông báo của tướng Kim Rak Gyom, người đứng đầu lực lượng chiến lược của quân đội Triều Tiên, tuyên bố: “Đối thoại hòa bình là điều không thể với một gã thiếu lý trí. Chỉ có vũ lực mới có tác dụng đối với ông ta”.
Viên tướng này vạch ra kế hoạch tiến hành loạt phóng thị uy 4 tên lửa tầm xa bay qua Nhật Bản và rơi xuống vùng biển quanh đảo Guam, “bao vây” lấy hòn đảo này.
Thông cáo có đoạn: “Tên lửa Hwasong-12 do KPA (Quân đội Nhân dân Triều Tiên – ND) phóng sẽ bay qua vùng trời phía trên các tỉnh Shimani, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản. Các tên lửa này sẽ bay 3.356,7km trong 1.065 giây và đánh trúng vùng biển cách Guam 30-40km”.
Hoàn tất giữa tháng 8
Theo thông cáo do Hãng thông tin trung ương Triều Tiên (KCNA) cung cấp, kế hoạch phô diễn sức mạnh này sẽ hoàn tất vào giữa tháng 8 và sau đó sẽ đợi lệnh từ Tổng tư lệnh Kim Jong-un.
Thông cáo này rõ ràng là nhằm thị uy và bác bỏ các tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump nhằm vào Triều Tiên cũng như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Trước đó cả ông Trump và ông Mattis cùng nhấn mạnh về hỏa lực áp đảo của quân đội Mỹ.
Phản ứng vừa rồi của Bình Nhưỡng là công khai nhất, chi tiết nhất cho đến nay, với mục đích chọc giận Tổng thống Trump.
Mỹ có một căn cứ hải quân ở Guam. Hòn đảo này cũng là nơi đặt căn cứ không quân Andersen với 6 máy bay ném bom hạng nặng B-1B. Theo NBC News, các oanh tạc cơ phi hạt nhân ở đây đã thực hiện 11 phi vụ diễn tập kể từ tháng 5 nhằm bảo đảm mức độ sẵn sàng cho một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên.
Hiện đảo Guam có 162.000 người.
Quân đội Hàn Quốc vào ngày 10/8 nói rằng các tuyên bố của Triều Tiên là một thách thức đối với Seoul và liên minh Mỹ-Hàn. Tại một buổi họp báo, Phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc, Roh Jae-cheon, khẳng định rằng Hàn Quốc đã sẵn sàng hành động chống trả tức khắc bất cứ sự khiêu khích nào từ phía Triều Tiên.
Phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước ông “không bao giờ dung thứ điều này”.
Thông cáo do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố xuất hiện sau quãng thời gian 2 ngày căng thẳng “bên miệng hố chiến tranh” giữa Mỹ và Triều Tiên, bắt đầu khi có thông tin tình báo từ phía Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng đã phát triển một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn lên tên lửa đạn đạo.
Sau khi có tin tức tình báo đó, Tổng thống Trump đưa ra lời cảnh báo “bão lửa và cuồng nộ”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mattis thì nói rằng cuộc tấn công của Triều Tiên chỉ làm tăng nguy cơ sụp đổ của chế độ chính trị ở nước này và làm người dân Triều Tiên bị hủy diệt.
Trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa về phía Guam, quân đội Mỹ sẽ rơi vào thế khó là phải đánh chặn các tên lửa phóng tới và nếu không chặn được thì sẽ bị mất thể diện. Ông Trump sẽ phải quyết định liệu có tấn công phủ đầu vào các bệ phóng Hwasong hay là mở một cuộc tấn công trả đũa một khi cuộc phóng của Triều Tiên đã diễn ra.
Trên thực tế quân đội Triều Tiên thường xuyên phóng thử tên lửa xuống vùng biển ngoài khơi biển Nhật Bản mà không vấp phải động thái phản ứng cụ thể nào từ quân đội Nhật.
Năng lực tên lửa Triều Tiên đến đâu? Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân từ năm 2006 và đã đạt được năng lực tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên để đưa vũ khí hạt nhân đi xa thì vũ khí này phải đủ nhỏ để phù hợp với tên lửa đạn đạo. Một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên đã đạt tới năng lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, số khác thì cho rằng Triều Tiên còn cần thêm vài năm nữa mới đạt tới trình độ đó. Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào ngày 8/8 cảnh báo có khả năng Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Kế tiếp, Triều Tiên cần hệ thống chở đầu đạn hạt nhân. Các vụ thử chứng tỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên có thể vươn tới lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản. Hồi tháng 7, Triều Tiên phóng thử 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn có thể vươn tới các thành phố của Mỹ. |
Theo VOV