Triều Tiên lại phóng tên lửa: Thông điệp gửi Mỹ và Hàn Quốc

.

Việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ phía bắc Nhật Bản rồi rơi xuống Thái Bình Dương sáng 29-8 được cho là một thông điệp rõ ràng nhằm đáp trả cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại nhà ga Seoul. 						                 Ảnh: AP
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại nhà ga Seoul. Ảnh: AP

Quân đội Hàn Quốc cho hay, tên lửa của CHDCND Triều Tiên bay khoảng 2.700km, đạt độ cao tối đa khoảng 550km, qua đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Vụ việc diễn ra chỉ cách vài ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng 3 tên lửa tầm ngắn được cho là động thái phản ứng cấp độ nhỏ với ngày khai mạc cuộc tập trận chung mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” của liên quân Mỹ - Hàn. Theo đó, động thái của Bình Nhưỡng được cho là một thông điệp rõ ràng nhằm đáp trả cuộc tập trận. Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói rằng, “thế giới đã nhận một thông điệp lớn và rõ ràng, mới nhất của CHDCND Triều Tiên”.

Theo AP, vụ thử mới nhất này đưa CHDCND Triều Tiên tiến đến gần hơn mục tiêu tên lửa của nước này có thể vươn đến Mỹ. Nhiều vụ phóng của Bình Nhưỡng được thực hiện một cách bất thường trong năm nay, khiến các nhà phân tích nhận định, quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên có thể sở hữu các tên lửa hạt nhân tầm xa trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021.

Quân đội Hàn Quốc cho biết, lực lượng nước này cùng Mỹ đang phân tích vụ việc, đồng thời thúc đẩy giám sát cũng như chuẩn bị đối phó với những hành động từ phía CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán CHDCND Triều Tiên có thể thử một tên lửa tầm trung mới, tiến đến gần đảo Guam - lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, như những gì mà Bình Nhưỡng đã đe dọa gần đây.  
Ông Kim Dong-yub, cựu quan chức quân đội Hàn Quốc, hiện là nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nói rằng qua các dữ liệu cho thấy tên lửa của CHDCND Triều Tiên có thể là Hwasong-12 nhưng cũng có thể là tên lửa tầm trung Musudan, hoặc tên lửa nhiên liệu rắn Pukguksong-2. Trong khi đó, theo Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood, Washington cần “phân tích sâu hơn” về vụ phóng mới nhất của CHDCND Triều Tiên. Ông Wood nói: “Vụ phóng là hành động khiêu khích nữa của Bình Nhưỡng. Họ dường như sẽ không dừng lại. Đây là mối lo ngại đối với chính phủ Mỹ và nhiều nước khác”.

Các chuyên gia cho rằng, có khả năng Bình Nhưỡng đang gây áp lực đối với Mỹ để tạo thế trên bàn thương lượng. Giáo sư danh dự Masao Okonogi (Đại học Keio, Nhật Bản) nhận định: “Bình Nhưỡng cho rằng bằng cách phô trương năng lực, họ sẽ mở được con đường đối thoại. Tuy nhiên, thế giới không hiểu logic này của Bình Nhưỡng nên cách này sẽ không dễ”.

Về phía Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo, CHDCND Triều Tiên sẽ đối mặt với “phản ứng mạnh mẽ” từ liên minh Mỹ - Hàn nếu những gì mà họ gọi là “sự khiêu khích tên lửa và hạt nhân” vẫn tiếp diễn. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thúc giục CHDCND Triều Tiên chấp nhận đối thoại về chương trình hạt nhân, đồng thời cần nhận thức rằng từ bỏ tham vọng hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế.

Hàn Quốc cũng nói rằng, lực lượng không quân của nước này còn tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật, với sự tham gia của 4 máy bay chiến đấu F-15 thả 8 quả bom MK-84 nhằm vào các mục tiêu ở trường bắn Pilseung, tỉnh Gangwon. Park Su-hyun, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay, cuộc tập trận được thực hiện sau khi người đứng đầu Nhà Xanh chỉ đạo trực tiếp quân đội “thể hiện khả năng mạnh mẽ trừng phạt” đối với Bình Nhưỡng. Cũng trong ngày 29-8, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc đã nhóm họp khẩn cấp.

Vụ phóng tên lửa ngày 29-8 thật sự không gây ngạc nhiên. Hồi đầu tháng này, khi đe dọa phóng 4 tên lửa tầm trung mới đến gần đảo Guam, CHDCND Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh các tên lửa của họ sẽ bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tháng 6 vừa qua, Bình Nhưỡng cũng tức giận, cáo buộc Nhật Bản phóng một vệ tinh nhằm do thám nước này.

Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Hành động coi thường của CHDCND Triều Tiên chưa từng có tiền lệ và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản”. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono chỉ trích mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, coi đây là “sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

PHÚC NGUYÊN - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.