Trung Quốc và Ấn Độ có thể kết thúc căng thẳng ở biên giới, nhưng tranh chấp gần đây làm dấy lên câu hỏi về khả năng hợp tác giữa hai cường quốc châu Á này trong hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn đang nổi (BRICS).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Ấn Độ ngày 16-10-2016. Ảnh: AP |
Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 30-8 khẳng định, nước ông và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác to lớn. Phát biểu này được cho là một dấu hiệu tích cực cho quan hệ giữa hai cường quốc châu Á khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sắp đến Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), diễn ra tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, từ ngày 3 đến 5-9.
Trước đó, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Đông Lãng), khu vực Himalaya - nơi hai nước căng thẳng hơn 2 tháng qua. Ông Vương Nghị cho rằng, tranh chấp là điều bình thường giữa hai nước láng giềng lớn vốn có nhiều khác biệt. “Quan trọng là chúng tôi đặt những vấn đề này ở những nơi phù hợp và xử trí phù hợp, kiểm soát các vấn đề trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và dựa vào sự đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước”, ông Vương Nghị nói.
Căng thẳng bùng phát khi Ấn Độ đưa quân đội đến ngăn cản Trung Quốc mở rộng con đường đi qua cao nguyên Doklam/Đông Lãng. Vì vậy, Bắc Kinh cáo buộc New Delhi xâm phạm lãnh thổ, dẫn đến nhiều vụ đụng độ xảy ra. Đây là điểm giao cắt 3 nước Ấn Độ - Trung Quốc - Bhutan, đồng thời là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Dù vậy, sau đó, Trung Quốc cho biết, lực lượng quân đội của nước này vẫn tiếp tục tuần tra ở Doklam.
Việc Ấn Độ điều quân đến ngăn cản Trung Quốc mở đường một phần vì thực hiện cam kết với đồng minh Bhutan; nhưng quan trọng hơn, New Delhi lo ngại nếu xây xong con đường này, Bắc Kinh có thể dễ dàng tiếp cận hàng lanh Siliguri - khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ.
Thực chất nguồn gốc của sự không tin tưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ là chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962. Đến năm 2005, Ấn Độ ký một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, khiến Trung Quốc “nóng mặt”. Trong sáng kiến “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã từ chối tham gia, bởi sáng kiến này bổ sung một hành lang kinh tế đi qua địa phận Kashmir do Pakistan quản lý nhưng đây là khu vực Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Theo đó, Ấn Độ là nước duy nhất tẩy chay hội nghị thượng đỉnh về “Vành đai và con đường” diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 5 vừa qua.
Ngoài tranh chấp biên giới, giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn có hàng loạt bất đồng khác. Ấn Độ hoài nghi về mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc với Pakistan cũng như các hoạt động quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh ở trong và xung quanh khu vực Ấn Độ Dương, chẳng hạn sự tồn tại căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc tại Djibouti. Các nhà quan sát cho rằng, thách thức quan trọng nhất đối với Ấn Độ là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, New Delhi là quốc gia duy nhất trong khu vực có thể tạo ra sự đối trọng với Bắc Kinh.
Nhìn nhận về căng thẳng Trung - Ấn hơn 2 tháng qua, nhà phân tích Shashank Joshi của Viện Hoàng gia Anh tại London (Anh) nhận định, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong 30 năm. Song, theo một số nhà quan sát, diễn đàn đa phương như BRICS lần này là một trong những nơi để hai nước đông dân nhất thế giới có thể ngồi lại với nhau, dù đang căng thẳng. Nhà nghiên cứu Zhang Yansheng tại Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc cho rằng, căng thẳng gần đây cho thấy diễn đàn BRICS là cơ hội tốt để trực tiếp trao đổi các vấn đề giữa hai nước và tìm giải pháp. Vì vậy, mọi việc vẫn phải chờ xem Thủ tướng Modi đến Trung Quốc mang theo những thông điệp gì và cách ứng xử với Bắc Kinh ra sao.
THIÊN BÌNH