Trung Quốc giục Mỹ và Triều Tiên "hạ nhiệt"

.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ và CHDCND Triều Tiên giảm “khẩu chiến”, nhưng nói rằng Bắc Kinh không thể thuyết phục Washington hay Bình Nhưỡng lùi bước trong lúc này.

Binh sĩ CHDCND Triều Tiên tuần tra ở thị trấn biên giới Simuiju.  Ảnh: AP
Binh sĩ CHDCND Triều Tiên tuần tra ở thị trấn biên giới Simuiju. Ảnh: AP

Đề nghị của Trung Quốc về việc “giảm khẩu chiến” được đưa ra sau những màn dằn mặt nhau nảy lửa giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên liên quan tới chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 11-8 thúc giục cả hai bên thận trọng với lời nói cũng như hành động nhằm làm giảm căng thẳng và tăng cường xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Hãng AFP cho biết, Trung Quốc vẫn kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên để giải quyết những căng thẳng hiện tại một cách hòa bình. Song, đề xuất của Bắc Kinh về việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự bị phớt lờ. Bắc Kinh thất vọng với việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và liên tiếp thử tên lửa trong thời gian qua, nhưng cũng không hài lòng với những phản ứng của Mỹ cũng như Hàn Quốc.

Căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên được cho là lên đến đỉnh điểm sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, vào giữa tháng 8 này. Tuyên bố này là “ăn miếng trả miếng” với cảnh báo của Tổng thống Donald Trump rằng, sẽ đáp trả bằng “hỏa lực, cuồng nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy” nếu Mỹ tiếp tục bị đe dọa. Ngày 10-8, ông Trump nhắc lại rằng, Trung Quốc có thể “làm nhiều hơn” để gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. “Tôi nghĩ họ (Trung Quốc) có thể làm và sẽ làm nhiều hơn thế. Chúng tôi đã mất hàng trăm tỷ USD mỗi năm trong việc trao đổi thương mại với Trung Quốc. Việc này không thể tiếp diễn”, ông Trump nói với báo giới Mỹ.

Theo các nhà quan sát, trong khủng hoảng Mỹ - CHDCND Triều Tiên hiện nay, một trong những mối quan tâm là Trung Quốc - đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng - sẽ làm gì. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11-8 không đề cập bất kỳ hành động cụ thể nào của Bắc Kinh, mặc dù các học giả và báo chí nước này kêu gọi chính phủ đảm nhận vai trò “ngoại giao con thoi” nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Cũng trong ngày 11-8, tờ Thời báo Hoàn cầu - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng Bắc Kinh nên trung lập nếu CHDCND Triều Tiên tấn công trước. Trong tình huống ngược lại, tức Mỹ tấn công Triều Tiên trước, Bắc Kinh sẽ ngăn chặn hành động này. “Trung Quốc nên nói rõ, nếu CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ và Mỹ phản ứng lại, Trung Quốc sẽ chọn vị trí trung lập”, tờ báo này nhấn mạnh. “Bắc Kinh không thể thuyết phục Washington hoặc Bình Nhưỡng lùi bước trong lúc này”, tờ Thời báo Hoàn cầu viết, đồng thời cho hay, cần làm rõ quan điểm của Trung Quốc cho tất cả các bên rằng, khi hành động của họ (Mỹ và CHDCND Triều Tiên) gây nguy hại đến lợi ích của Trung Quốc, nước này sẽ đáp trả cứng rắn.

Về phía Hàn Quốc, cũng trong ngày 11-8, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo kêu gọi quân đội nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó với “những hành động khiêu khích bất ngờ” của CHDCND Triều Tiên. Báo Korea Herald của Hàn Quốc thậm chí kêu gọi xem xét khả năng vũ trang hạt nhân, điều mà giới quan sát cho rằng sẽ làm tình hình khu vực càng thêm căng thẳng. “Niềm tin vào ô hạt nhân mà Mỹ cung cấp cho Hàn Quốc có thể bị lay chuyển”, tờ Korea Herald cảnh báo. Theo AFP, người dân Hàn Quốc hiện lo ngại một cuộc xung đột giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên xảy ra sẽ gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa dọc đường bay dự kiến của các tên lửa Triều Tiên đến đảo Guam. Cụ thể, hệ thống PAC-3 Patriot có thể được triển khai ở các tỉnh Shimane, Hiroshima và Kochi, phía tây Nhật Bản - nơi các tên lửa của Bình Nhưỡng có thể bay qua.

Hãng Reuters cho biết, Hàn Quốc đang triển khai cuộc diễn tập quốc phòng trên cả nước dự kiến vào ngày 23-8 tới. Cuộc diễn tập sẽ được bắt đầu với còi báo động trên đài phát thanh, ô-tô ngừng ở các điểm quy định, người đi bộ được hộ tống ra khỏi các tuyến phố và đưa đến những điểm an toàn như ga tàu điện ngầm.

Theo quan chức chính quyền địa phương Seoul Shim Kang-cheon, năm ngoái, chỉ 5 khu vực ở thủ đô Seoul tổ chức diễn tập, nhưng năm nay tất cả 25 khu vực đều tham gia.

Trong một thông điệp, Thị trưởng Seoul Park Won-soon nhấn mạnh: “Kể từ khi CHDCND Triều Tiên tiến rất gần đến báo động đỏ, Seoul cần tăng cường tất cả giải pháp phòng vệ chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng”.

"Bắc Kinh không thể thuyết phục Washington hoặc Bình Nhưỡng lùi bước trong lúc này."

Thời báo Hoàn cầu ngày 11-8

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.