Trung Quốc "quay lưng" với Triều Tiên

.

Trước sức ép của Mỹ, từ ngày 15-8, Trung Quốc ngừng nhập khẩu nhiều loại mặt hàng từ CHDCND Triều Tiên, trong đó có than đá, quặng sắt, than chì và thủy sản.

Người dân CHDCND Triều Tiên xem hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-14 hồi tháng 7 trên truyền hình tại ga Bình Nhưỡng. 		Ảnh: Reuters
Người dân CHDCND Triều Tiên xem hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-14 hồi tháng 7 trên truyền hình tại ga Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho biết, quyết định ngừng nhập khẩu các mặt hàng từ CHDCND Triều Tiên, trong đó có than đá, quặng sắt, than chì và thủy sản, được Trung Quốc công bố ngày 14-8 sau khi Mỹ gây sức ép đòi Bắc Kinh phải tạo áp lực với đồng minh Bình Nhưỡng xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Quyết định của Trung Quốc được cho là không bất ngờ bởi trước đó Bắc Kinh đã cam kết thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Hơn nữa, đây là động thái “xuống thang” của Trung Quốc trước lúc Tổng thống Donald Trump chính thức ban hành sắc lệnh điều tra Bắc Kinh vì các hoạt động vi phạm tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ. Dự kiến ông chủ Nhà Trắng ban hành sắc lệnh này trong ngày 14-8 (giờ Mỹ) mặc dù các quan chức Washington cho rằng, việc điều tra này không liên quan đến vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Theo AFP, trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, cơ quan này cho biết, tất cả hàng nhập khẩu than đá, quặng sắt, than chì và thủy sản sẽ “bị cấm hoàn toàn” từ ngày 15-8. Trước đó, hồi tháng 2, Bắc Kinh cũng đã công bố việc ngừng nhập khẩu than đá của CHDCND Triều Tiên.

Lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ, trong đó Trung Quốc là thành viên, nhằm vào CHDCND Triều Tiên đã được thông qua ngày 6-8 vừa qua, có thể làm Bình Nhưỡng thiệt hại 1 tỷ USD/năm nguồn thu từ các hoạt động xuất khẩu khoáng sản. Các biện pháp trừng phạt này là phản ứng đối với 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng trước. Trung Quốc cam kết sẽ tuân thủ lệnh trừng phạt này. Tuần trước, khi tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Manila (Philippines), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước ông “chắc chắn thực thi nghị quyết mới 100%, đầy đủ và nghiêm khắc”.

Tuy nhiên, dù công bố lệnh cấm vận nhưng Trung Quốc khẳng định các lệnh trừng phạt không phải là giải pháp cuối cùng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh kêu gọi thực hiện biện pháp ngoại giao và khởi động lại tiến trình đàm phán 6 bên vốn bị đình trệ từ năm 2008. Trung Quốc cũng bổ nhiệm trợ lý Ngoại trưởng Khổng Huyễn Hựu (58 tuổi) làm đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên, sau khi người tiền nhiệm Vũ Đại Vĩ đến tuổi nghỉ hưu. Song, Bắc Kinh cho biết, việc bổ nhiệm này không liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay.

“Khẩu chiến” gay gắt giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên làm dấy lên những lo ngại của toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thúc giục cả hai bên cần điềm tĩnh. Ngày 14-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn CHDCND Triều Tiên tấn công đảo Guam bằng việc gây áp lực thông qua HĐBA LHQ. Nhật Bản đã triển khai hệ thống tên lửa Patriot ở 4 tỉnh nơi dự đoán tên lửa của CHDCND Triều Tiên sẽ đi qua.

Trong lúc đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, chấm dứt “ngay lập tức tất cả sự khiêu khích và lời đe dọa thù địch, thay vì làm tình hình thêm tồi tệ”. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là lợi ích quốc gia của Hàn Quốc và lợi ích dân tộc trong hòa bình”, ông Moon nói với các cố vấn trong cuộc họp ở Seoul ngày 14-8. Nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ không thể để tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 đã làm hơn 1 triệu người thiệt mạng, để lại các thành phố trong hoang tàn và kéo dài sự phân chia của bán đảo này. Theo các nhà phân tích, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ nếu xảy ra cũng sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng cho Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 14-8 cảnh báo, nếu Tổng thống Donald Trump tuyên bố điều tra Trung Quốc xem có đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ hay không thì có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại. Theo AP, cuộc điều tra như thế có thể kéo dài 1 năm.

Phản ứng trước việc Tổng thống Trump sắp chính thức ban hành sắc lệnh điều tra Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng: “Thật không phù hợp khi dùng một vấn đề làm công cụ để gây áp lực lên một vấn đề khác”. Bà Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định, một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không mang lại tương lai nào.

Ngày 14-8, Tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford đang ở Soeul (Hàn Quốc) nói rằng, Washington muốn giải quyết căng thẳng với CHDCND Triều Tiên một cách hòa bình. Song, ông khẳng định Mỹ sẵn sàng sử dụng đầy đủ khả năng quân sự trong trường hợp khiêu khích.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.