8 nước bị Mỹ cấm nhập cảnh

.

Công dân 8 nước gồm: Chad, Iran, Libya, CHDCND Triều Tiên, Somalia, Syria, Yemen và một số cá nhân ở Venezuela bị Mỹ cấm nhập cảnh.

Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3 nhằm vào người Hồi giáo vấp phải sự phản đối ở các sân bay quốc tế. 			    Ảnh: Getty Images
Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3 nhằm vào người Hồi giáo vấp phải sự phản đối ở các sân bay quốc tế. Ảnh: Getty Images

Lệnh cấm mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 18-10 tới, nhằm thay thế sắc lệnh cấm nhập cảnh cũ áp dụng với công dân thuộc 6 quốc gia Hồi giáo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ngày 6-3 vừa hết hạn. Lệnh cấm cũ dành cho công dân các nước Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Như vậy, với lệnh cấm vừa được ban hành, chỉ có Sudan thoát khỏi “danh sách đen” của Mỹ và danh sách lần này có thêm Chad, CHDCND Triều Tiên, Venezuela.

Hãng AP cho biết, lệnh cấm mới áp dụng đối với toàn bộ công dân đến từ các quốc gia như Syria, nhưng không áp dụng đối với toàn bộ công dân Venezuela mà chỉ dành riêng cho các quan chức chính phủ cấp cao của nước này cùng gia đình của họ. Công dân Iraq không thuộc diện cấm nhập cảnh vào Mỹ nhưng sẽ bị kiểm soát gắt gao.

Trên Twitter ngày 24-9 (giờ Washington), Tổng thống Trump viết: “Giữ cho nước Mỹ an toàn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những ai vào nước mình mà chúng tôi không thể kiểm tra lý lịch một cách an toàn”. Theo Reuters, các biện pháp mới này sẽ giúp thực hiện đầy đủ những cam kết của ông Trump về việc thắt chặt thủ tục xuất nhập cảnh của Mỹ và phù hợp với tầm nhìn của chính sách đối ngoại “Nước Mỹ là trên hết”. Đây cũng là kết quả của quá trình xem xét lại sau khi lệnh cấm nhập cảnh ban đầu của ông Trump bị thách thức tại tòa án. Song, các lệnh cấm trước đây luôn có giới hạn về thời gian nhưng sắc lệnh lần này để ngỏ thời điểm kết thúc.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ lý giải, lệnh cấm mới nhằm vào những nước không chia sẻ thông tin hiệu quả với Mỹ hoặc không có những biện pháp phòng ngừa an ninh cần thiết.

Cũng theo Reuters, không giống lệnh cấm nhập cảnh ban đầu của ông Trump vốn dẫn đến sự hỗn loạn kéo dài tại các sân bay trên khắp nước Mỹ và gây xáo trộn tại nhiều sân bay ở nước ngoài, các quan chức Mỹ cho biết, họ đã làm việc trong nhiều tháng để đưa ra các hạn chế mới với sự hợp tác của các cơ quan khác nhau và đối thoại với chính phủ các nước trên thế giới.

Tuần trước, ông Trump kêu gọi cần có một lệnh cấm nhập cảnh cứng rắn hơn sau khi một quả bom phát nổ trên một tàu điện ngầm London (Anh). Những người chỉ trích cáo buộc nhà lãnh đạo Mỹ vượt quá quyền hạn và vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Riêng với CHDCND Triều Tiên, sắc lệnh nêu rõ: “Triều Tiên không hợp tác với chính phủ Mỹ ở nhiều lĩnh vực và không đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến việc chia sẻ thông tin”. Song, một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng, số lượng công dân CHDCND Triều Tiên đến Mỹ rất ít nên lệnh cấm không ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Giới quan sát cũng nhận định, lệnh cấm này chỉ mang tính “tượng trưng” với CHDCND Triều Tiên. “Đó là một giải pháp tượng trưng… CHDCND Triều Tiên có lẽ sẽ không có phản ứng nào”, nhà phân tích Hong Min tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul nói. Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ cũng đã thông qua sắc lệnh cấm công dân của cường quốc này đến CHDCND Triều Tiên kể từ ngày 1-9.

Ngày 10-10, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét lệnh cấm mới ban hành. Giám đốc điều hành Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ Anthony D. Romero cho rằng, việc Mỹ thêm CHDCND Triều Tiên và Venezuela vào “danh sách đen” không làm thay đổi thực tế đó vẫn là một lệnh cấm đối với người Hồi giáo. “Đây là lệnh cấm Hồi giáo, đơn giản họ chỉ thêm vào 3 nước”, Giám đốc Dự án hỗ trợ tị nạn quốc tế Becca Heller khẳng định. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump từng kêu gọi “đóng cửa hoàn toàn, không để người Hồi giáo tiến vào nước Mỹ”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.