Bầu cử Đức: Không cần phép màu

.

Sự trở lại của nữ Thủ tướng Angela Merkel với nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp là điều đã được định đoạt mà không cần có bất kỳ phép màu nào trong cuộc bỏ phiếu ngày 24-9.

Thủ tướng Angela Merkel luôn khẳng định thông điệp về sự ổn định và thịnh vượng cho nước Đức. 							Ảnh: AFP
Thủ tướng Angela Merkel luôn khẳng định thông điệp về sự ổn định và thịnh vượng cho nước Đức. Ảnh: AFP

Sáng 24-9, các điểm bỏ phiếu thuộc 299 khu vực bầu cử trên khắp nước Đức đồng loạt mở cửa để 61,5 triệu cử tri đi bầu Quốc hội liên bang. Các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 18 giờ cùng ngày (23 giờ, theo giờ Việt Nam).

Giới quan sát cho rằng, cuộc bầu cử rất tẻ nhạt bởi chưa cần bỏ phiếu thì cũng dự đoán được đảng nào sẽ chiến thắng. Đơn giản vì dù có tổng cộng 48 đảng phái chính trị tham gia chạy đua giành 630 ghế tại Quốc hội liên bang nhưng không đảng nào thuyết phục được cử tri hơn liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) với Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Thủ tướng Angela Merkel. Theo đó, đương nhiên bà Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng ở nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp và sẽ chẳng cần phép màu nào trong cuộc bỏ phiếu lần này.

Hãng Reuters dẫn các kết quả thăm dò cho thấy, liên minh CDU/CSU vẫn là nhóm lớn nhất trong Quốc hội, nhưng sự trỗi dậy của đảng cực hữu đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) và các đảng nhỏ khác như Die Linke (cánh tả), đảng Xanh, hay đảng Dân chủ Tự do (FDP) có thể khiến bà Merkel gặp khó khăn trong việc hình thành một chính phủ liên minh cầm quyền. 5 cuộc thăm dò mới nhất đều cho kết quả AfD sẽ về thứ 3 với tỷ lệ ủng hộ từ 10-13%, sau đảng CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Theo thăm dò của INSA do báo Bild đăng tải ngày 23-9, CDU/CSU sẽ giành được 34% số phiếu và SPD giành 21%.

Trong cuộc bầu cử khu vực năm ngoái, đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel đã vấp phải những trở ngại từ AfD, vốn mang tư tưởng hoài nghi châu Âu và chủ trương phản đối quyết định của bà hồi năm 2015 về việc mở cửa biên giới Đức để đón hơn 1 triệu người tị nạn. Tháng 2-2016, chỉ 39% người Đức bày tỏ hài lòng về cách giải quyết của bà Merkel đối với vấn đề người tị nạn, còn 59% không hài lòng. Giờ đây, vấn đề nhập cư đã được kiểm soát, trong chiến dịch tranh cử, nữ Thủ tướng 63 tuổi mô tả mình là một điểm neo cho sự ổn định trong một thế giới bất ổn.

Song, cả bà Merkel lẫn ông Martin Schulz - Chủ tịch SPD và là cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu - đều lo lắng về sự trỗi dậy của các đảng nhỏ hơn, nhất là AfD, bởi AfD được cho là sẽ lần đầu tiến vào Quốc hội liên bang từ cuộc bầu cử này. Việc hình thành một liên minh cầm quyền sau bầu cử sẽ là tiến trình phức tạp, thậm chí mất vài tháng, khi tất cả các đối tác tiềm năng đều không chắc chắn họ có thật sự muốn chia sẻ quyền lực với bà Merkel hay không. Trong lúc đó, tất cả những đảng lớn đều từ chối “bắt tay” với AfD.

Hãng AFP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, nếu AfD tiến vào Quốc hội sẽ là “quả bom” tác động đến chính trường nước Đức. “Nếu AfD trở thành đảng đối lập hàng đầu, họ sẽ tạo ra thách thức trong các vấn đề then chốt”, ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu có trụ sở ở Berlin nói.

Song, các nhà bình luận cho rằng, thông điệp của bà Merkel về sự ổn định và thịnh vượng đủ để gây tiếng vang ở Đức, nơi có hơn ½ trong số 61,5 triệu cử tri là những người từ 52 tuổi trở lên. 12 năm làm Thủ tướng Đức, bà Merkel đã khẳng định được uy tín và vị thế của mình. Kinh tế Đức tăng trưởng ấn tượng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất (hiện chỉ còn 4,3%). “Người đàn bà thép” Angela Merkel, vốn được người dân Đức đặt biệt hiệu là “mutti” (mẹ), trở thành nhà lãnh đạo đầu tàu của châu Âu trước hàng loạt thách thức về khủng bố, khủng hoảng người nhập cư…

Với những ưu thế của bà Merkel, cuộc bầu cử ở Đức quả thật không khó đoán định. Dù làn sóng dân túy có trỗi lên ở nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung chăng nữa cũng chỉ do bức xúc về vấn đề nhập cư. Và điều đó cũng chỉ tạo cho bà Merkel một chút thách thức, chứ không làm khó được người phụ nữ quyền lực này.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.