Châu Âu tranh cãi về hạn ngạch nhập cư

.

Tòa án cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết rằng, các quốc gia thuộc khối phải chia sẻ gánh nặng người tị nạn tiến vào lục địa già này theo hạn ngạch nhập cư đã được phân bổ.

Những người tị nạn cố vượt qua hàng rào ở biên giới Hy Lạp - Macedonia hồi tháng 2-2016. 							                      Ảnh: CNN
Những người tị nạn cố vượt qua hàng rào ở biên giới Hy Lạp - Macedonia hồi tháng 2-2016. Ảnh: CNN

Phán quyết của Tòa án Tư pháp EU (ECJ) có trụ sở tại Luxembourg được đưa ra ngày 6-9, theo đó bác bỏ khiếu nại của Hungary và Slovakia về kế hoạch phân bổ hạn ngạch nhập cư giữa các nước thuộc liên minh. Phán quyết này có thể làm dấy lên căng thẳng giữa Đông Âu và Tây Âu xung quanh chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư vốn gây nhiều tranh cãi, đồng thời bị cho là mang tính ép buộc.

Hungary, Slovakia, Ba Lan cùng Cộng hòa Czech và Romania đều cho rằng, việc châu Âu ra lệnh các nước thành viên EU tiếp nhận hàng trăm người tị nạn, chủ yếu là người Hồi giáo đến từ Syria, là bất hợp pháp, bởi điều này đe dọa an ninh và sự ổn định xã hội của các quốc gia. Hãng Reuters cho biết, ngay lập tức, chính phủ của Thủ tướng Hungary Victor Orban chỉ trích quyết định duy trì chính sách của EU đối với cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015 là “kinh hoàng”, thậm chí gọi đây là “sự cưỡng bức luật pháp và các giá trị của châu Âu”. Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, phán quyết “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi gây nguy hiểm đối với an ninh và tương lai của tất cả các nước châu Âu. “Cuộc chiến thật sự chỉ bắt đầu từ hôm nay”, Ngoại trưởng Szijjarto phát biểu trong một cuộc họp báo, đồng thời khẳng định với tất cả người dân Hungary rằng, chính phủ sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ đất nước và nhân dân nước này.

Hãng Reuters cũng nhận định, quyết định của ECJ không những không chấm dứt được sự phản đối của Hungary, mà còn giúp ông Victor Orban “ghi điểm” với cử tri trong chiến dịch tái đắc cử vào năm tới.

Năm 2016, chính phủ của ông Orban từng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có chấp nhận bất kỳ hạn ngạch phân bổ người nhập cư mở rộng trong tương lai của EU hay không. Lúc đó, hơn 3 triệu cử tri Hungary (đa số những người tham gia bỏ phiếu) đã nói “không” với sáng kiến của EU.

Trong khi đó, với phán quyết của ECJ, Thủ tướng Slovakia Robert Fico khẳng định ông vẫn sẽ không chấp nhận hạn ngạch nhưng sẵn sàng hỗ trợ xử trí khủng hoảng bằng những phương thức khác.

Tuy nhiên, Bỉ, Đức, Hy Lạp, Pháp, Ý, Luxembourg, Thụy Điển ủng hộ phán quyết. Đức - quốc gia đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn cách đây 2 năm - bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ việc khiếu nại, trong đó có Ba Lan, chấp nhận phán quyết nói trên. “Chúng tôi có thể kỳ vọng tất cả các đối tác châu Âu tuân thủ phán quyết và thực thi thỏa thuận mà không trì hoãn”, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói.

Khoảng 1,7 triệu người di cư và tị nạn đã tìm đến EU bằng cách vượt biển Địa Trung Hải kể từ năm 2014. Đến năm 2015, cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn vào châu Âu để tránh chiến tranh, nghèo đói và tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn thật sự bùng phát. Trong đó, Hy Lạp và Ý là hai cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển. Khi các đường biên giới dọc hành lang các nước Balkan bị đóng cửa vào năm 2016, hơn 60.000 người tị nạn bị mắc kẹt ở Hy Lạp. Từ đó, EU phải tìm giải pháp để giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Ý. Một kế hoạch phân bổ hạn ngạch nhập cư được đưa ra để tái định cư cho 160.000 người tị nạn. Song, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số nước Đông Âu nên đến nay chỉ khoảng 27.700 người được chuyển từ Hy Lạp và Ý sang các nước thành viên khác theo hạn ngạch.

Sự từ chối của Hungary, Slovakia, cũng như Ba Lan đã làm phật lòng Đức, Pháp và nhiều nước thành viên khác thuộc EU, đồng thời làm dấy lên cuộc tranh cãi trong khối về các giá trị then chốt.

EU cũng đang xem xét các biện pháp trừng phạt 3 quốc gia Đông Âu gồm Hungary, Ba Lan và Czech vì đã từ chối tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ năm 2015. Song, dù EU trừng phạt các nước quay lưng với hạn ngạch thì cuộc chiến pháp lý giữa Đông Âu và Tây Âu sẽ không dừng lại.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.