Trong Nghị quyết, bên cạnh các biện pháp gia tăng sức ép, các nước tiếp tục thúc đẩy đối thoại nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc họp của HĐBA LHQ. (Ảnh: Reuters) |
Sáng sớm 12/9 giờ Hà Nội, toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới đây.
Một trong những điểm đáng chú ý của nghị quyết vừa được thông qua là bên cạnh các biện pháp gia tăng sức ép, các nước tiếp tục thúc đẩy đối thoại nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đây là điều không được đề cập trong dự thảo nghị quyết của Mỹ đưa ra trong tuần trước.
Nghị quyết mới thông qua được đánh giá "nhẹ nhàng" hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley công bố hôm 6/9. Nghị quyết mới loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của ủy ban này.
Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên, vốn mang lại doanh thu gần 1 tỉ USD Mỹ cho Triều Tiên.
Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên. Nghị quyết cũng yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên LHQ số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định đây là các biện pháp nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên.
“Chúng tôi đang cố gắng buộc Triều Tiên phải đi theo con đường đúng đắn”, bà Haley nêu rõ. “Chúng tôi đang hành động để ngăn chặn mọi khả năng nước này có thể tiếp tục những bước đi sai lầm”.
Sau 4 ngày dài đàm phán căng thẳng với Nga và Trung Quốc, trong nghị quyết vừa thông qua cũng kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán sáu bên. Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho nhấn mạnh, giải pháp ngoại giao hòa bình là điều mà tất cả các nước mong muốn.
“Triều Tiên nắm trong tay giải pháp ngoại giao hòa bình, phù hợp với mong muốn của cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Bessho cho biết. “Nếu Triều Tiên muốn hòa bình và an ninh, nước này cần thể hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tuân theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an và tham gia vào đối thoại 6 bên quay trở lại bàn đối thoại”.
Các chuyên gia phân tích nhận định, chiến lược chỉ có trừng phạt sẽ không hiệu quả đối với Triều Tiên. Những gì thiếu trong 8 năm qua bên cạnh hàng loạt các biện pháp trừng phạt vẫn là một giải pháp ngoại giao.
Hiện Trung Quốc và Nga vẫn đang thúc đẩy đề xuất với ý tưởng Triều Tiên dừng chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong khi Mỹ và Hàn Quốc dừng tập trận quân sự.
“Chúng tôi cho rằng sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp sáng kiến của Nga-Trung Quốc”, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebeznya nhấn mạnh. “Điều này vẫn đặt trên bàn đàm phán của HĐBA LHQ và sẽ đang được xem xét”.
Tuy nhiên đề xuất này của hai bên cũng khó khả thi khi Mỹ trước đó lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ đề xuất này. Triều Tiên chưa có phản ứng với nghị quyết mới của HĐBA LHQ. Trước đó, nước này cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với “một loạt hành động cứng rắn chưa từng thấy” nếu thúc đẩy áp đặt một nghị quyết trừng phạt mới của HĐBA LHQ.
Trong một bước đi nhằm tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên, Peru ngày 11/9 tuyên bố nước này sẽ trục xuất Đại sứ Triều Tiên tại Peru nhằm phản đối việc Triều Tiên liên tiếp vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Đây là quốc gia Mỹ Latinh thứ hai thể hiện động thái cô lập Triều Tiên, sau khi Mexico tuyên bố trục xuất Đại sứ Triều Tiên tại nước này hôm mùng 7/9 vừa qua.
Theo VOV