Người Kurd ở Iraq bị cô lập

.

Cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq làm dấy lên phản ứng dữ dội từ chính phủ Iraq và các nước khác. Khu vực này đối mặt với sự cô lập quốc tế mạnh mẽ.

Trẻ em ở Kirkuk (Iraq) vẫy cờ của người Kurd sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý.  Ảnh: AFP
Trẻ em ở Kirkuk (Iraq) vẫy cờ của người Kurd sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Ảnh: AFP

Hơn 92,7% cử tri người Kurd ở Iraq đã bỏ phiếu tán thành về nền độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 25-9. Kết quả này thể hiện giấc mơ xây dựng quốc gia độc lập trong nền chính trị của người Kurd nhiều thập niên qua nhưng khủng hoảng cũng bắt đầu từ đó.

Theo hãng AP, kể từ cuộc bỏ phiếu nói trên, khủng hoảng dường như càng đẩy người Kurd xa hơn chính phủ Baghdad và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ hủy các giao dịch dầu mỏ với chính quyền khu vực tự trị người Kurd và chỉ phối hợp với chính quyền Baghdad trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iraq. Động thái này khiến khu vực người Kurd ở Iraq mất hơn 80% thu nhập.

Chính phủ Iraq cũng yêu cầu các hãng hàng không quốc tế ngừng mọi chuyến bay đi và đến các thành phố Irbil và Sulaimaniyah, thuộc khu vực tự trị của người Kurd, từ ngày 29-9. Sự trừng phạt sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với người Kurd, bởi Irbil là một trạm trung chuyển khu vực và là nơi có cộng đồng người nước ngoài sinh sống. Song, ngày 29-9, các chuyến bay nội địa vẫn được phép hoạt động.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thúc giục người đứng đầu khu vực tự trị của người Kurd Masoud Barzani “ngồi im”, không nên dấn vào “cuộc phiêu lưu mà kết thúc trong sự thất vọng”. Ông Erdogan thậm chí còn mô tả rằng, người Kurd ở Iraq đã “tự ném mình vào lửa” bằng cuộc trưng cầu dân ý.

Chính phủ của Tổng thống Erdogan có quan hệ thân thiết với khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq nhưng phản đối mạnh mẽ việc nơi đây trở thành một nhà nước độc lập, bởi điều này có thể tạo hiệu ứng lan tỏa đến người Kurd thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Ankara dọa sẽ dùng các biện pháp quân sự và kinh tế để chống lại khu vực này.

Thực chất, người Kurd ở Iraq đã có những bước đi đầu tiên về quyền tự chủ với sự hậu thuẫn của Mỹ vào những năm 1990. Trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên chống lại những phiến quân cực đoan để bảo vệ thành phố Irbil và thủ phủ của khu vực người Kurd tại Iraq hiện vẫn là nhà của một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của liên quân do Washington dẫn đầu. Tuy nhiên, Mỹ phản đối quyết liệt cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd, làm dấy lên quan ngại rằng sẽ làm xao lãng cuộc chiến chống các chiến binh Hồi giáo cực đoan tại quốc gia vùng Vịnh này.

Giờ đây, Mỹ bày tỏ thất vọng sâu sắc về cuộc bỏ phiếu, đồng thời khẳng định mối quan hệ với khu vực này vẫn không thay đổi. Song, Washington vẫn tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa người Kurd ở Iraq và chính phủ Baghdad để tháo gỡ căng thẳng.

Lãnh đạo khu vực tự trị của người Kurd Masoud Barzani cũng cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý có nhiều rủi ro nhưng ông khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng trả giá cho nền độc lập”. Trước đây, khi IS trỗi dậy, chiếm đóng ở phía bắc và tây Baghdad năm 2014, quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Kurd “bắt tay” để đẩy lùi các tay súng. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, các lực lượng Iraq chia rẽ, thể hiện rõ ràng nhất là cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd vừa qua.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, khi không nhận được sự ủng hộ của quốc tế, cuộc bỏ phiếu nói trên vẫn chỉ mang tính tượng trưng, chỉ là sự kiện mang tính “tham vấn”, chứ không thể thành hiện thực và không ràng buộc về mặt pháp lý. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran lo ngại cuộc trưng cần dân ý có thể khơi mào cho những tư tưởng ly khai trỗi dậy trong cộng đồng người Kurd tại những nước này, kéo theo khủng hoảng mới cho một khu vực vốn chưa bao giờ hết bất ổn.

Người Kurd là tên gọi của một dân tộc có ngôn ngữ, tập quán, thậm chí có cờ riêng nhưng chưa được công nhận là nhà nước. Hiện có 25-30 triệu người Kurd sống rải rác chủ yếu ở 4 quốc gia: Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.