Việc giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc bầu cử sớm vào ngày 22-10 tới có thể là canh bạc may rủi đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) cùng các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) thể hiện quyết tâm chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới. Ảnh: AP |
Trong phiên họp nội các bất thường ngày 28-9, Thủ tướng Shinzo Abe khởi động “cuộc chiến khó khăn” khi ông giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc bầu cử sớm. Theo đó, với việc bầu cử sớm vào ngày 22-10 (thay vì tháng 12-2018), đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể giành thắng lợi trong lúc các đảng đối lập chưa sẵn sàng cho bầu cử, bản thân ông Abe có thể giành thế thượng phong trên chính trường, nhưng cũng sẽ mang lại cho nhà lãnh đạo này không ít khó khăn và thách thức.
Quyết định nói trên được đưa ra khi tỷ lệ ủng hộ cá nhân Thủ tướng Abe cũng như LDP gia tăng trở lại sau khi giảm xuống dưới 30% hồi tháng 7 vừa qua, do ông bị cáo buộc can thiệp để giúp một người bạn thành lập một khoa mới trong trường đại học. Tỷ lệ tín nhiệm phục hồi sau cuộc cải tổ nội các hồi tháng 8 và những phản ứng của chính phủ trước các vụ thử tên lửa cũng như hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mới đây, nhất là sau 2 lần Bình Nhưỡng thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe bày tỏ: “Một cuộc chiến khó khăn bắt đầu từ hôm nay” và đây là cuộc bầu cử để “bảo vệ cuộc sống của người dân”. “Chúng ta phải hợp tác với cộng đồng quốc tế khi chúng ta đối mặt với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên’”, nhà lãnh đạo Nhật Bản nói. Chiến dịch vận động tranh cử sẽ bắt đầu từ ngày 10-10.
Hãng AP cho rằng, quyết định của Thủ tướng Abe là nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của ông trong LDP. Một thắng lợi lớn có thể giúp bảo đảm ông tái đắc cử chức Chủ tịch của đảng này vào tháng 9-2018. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, động thái nói trên không phải không có những rủi ro mặc dù đảng Dân chủ - đảng đối lập lớn nhất - đang rơi vào khủng hoảng và đảng Hy vọng mới được Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike thành lập có ít thời gian để tìm ứng cử viên cũng như tổ chức chiến dịch tranh cử. Bà Koike hiện muốn “bắt tay” với một đảng đối lập nhỏ khác nhằm tạo thế đối trọng với liên minh LDP và Komeito. Tối 28-9, đảng Dân chủ quyết định không giới thiệu ứng cử viên cho cuộc bầu cử mà liên kết với bà Koike. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cũng đã gia nhập đảng Hy vọng và Chủ tịch đảng Seiji Maehara tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để lật đổ chính phủ của ông Abe.
Về phía Thị trưởng Koike, mặc dù nắm quyền lãnh đạo đảng Hy vọng nhưng bà không tìm kiếm ghế cho mình tại Quốc hội mà tập trung điều hành công việc của thành phố Tokyo để chuẩn bị Thế vận hội Olymlic 2020.
GS Jeff Kingston tại Đại học Temple của Nhật Bản gọi đảng mới của bà Koike là lực lượng làm thay đổi cuộc chơi và đây là điều không tốt cho ông Abe, dù nữ Thị trưởng không cần thật sự giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Theo GS Stephen Nagy tại Đại học Công giáo quốc tế tại Tokyo, đảng Hy vọng có thể tạo ảnh hưởng đối với các chính sách của ông Abe như việc thay đổi hiến pháp - vấn đề mà tất cả các chính trị gia đều quan tâm. Các nhà phân tích cũng cảnh báo, cuộc bầu cử sớm có thể mang lại tác dụng ngược, tạo khoảng trống chính trị trên chính trường Nhật Bản, tương tự canh bạc mà Thủ tướng Anh Theresa May đã trải qua khi đảng Bảo thủ của bà không giành được đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6 vừa qua.
Khảo sát của báo Mainichi Shimbun cho thấy tỷ lệ ủng hộ LDP hiện là 29%, trong khi 18% bỏ phiếu cho đảng Hy vọng. Song, hiện nhiều cử tri chưa quyết định được lá phiếu của mình và điều này tạo hy vọng cho đảng của bà Koike về việc sẽ rút ngắn khoảng cách.
PHÚC NGUYÊN