Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 4/9 đã ra tuyên bố lên án "bằng những lời lẽ có thể nói là mạnh mẽ nhất đối với vụ thử hạt nhân mới được Triều Tiên tiến hành" cuối tuần qua.
Vụ phóng thử tên lửa ICBM Hwasong-14 tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 4/7. (Nguồn: YONHAP/TTXVN) |
Tuyên bố của G7, đăng tải trên trang web của Chính phủ Italy, đã được Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ký tên.
Theo tuyên bố của G7, Triều Tiên phải "từ bỏ hoàn toàn mọi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo một cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu này, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thực hiện các trách nhiệm của mình và nỗ lực hướng tới việc thông qua một nghị quyết mới, có hiệu quả mà sẽ bao gồm các biện pháp mạnh mẽ hơn. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo việc thực hiện một cách bền vững, toàn diện và triệt để các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như đảm bảo Triều Tiên quay trở lại với luật pháp quốc tế." Italy đang giữ chức chủ tịch nhóm G7.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Israel ra tuyên bố cho rằng vụ thử hạt nhân nói trên là "sự mở rộng kiểu hoạt động thách thức" của Triều Tiên. Israel kêu gọi Triều Tiên "tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không tiến hành thử cũng như phát triển các vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống phóng (tên lửa)."
Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng ra tuyên bố bày tỏ vô cùng quan ngại trước việc Bình Nhưỡng không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo ra mối đe dọa cho an ninh khu vực Đông Á. Bộ trên cho rằng các vụ thử này giáng đòn mạnh xuống hệ thống không phổ biến hạt nhân, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các xung đột quốc tế theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nguyên tắc trong luật quốc tế.
Theo Vietnam+