Việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng qua làm dấy lên phản ứng tức giận của các nước Đông Bắc Á. Hàn Quốc khẳng định không thể đối thoại với Bình Nhưỡng nữa, trong khi Nhật Bản đang cân nhắc biện pháp đáp trả.
Vụ phóng tên lửa là thông điệp rõ ràng của CHDCND Triều Tiên gửi đến Mỹ: “Chúng tôi có thể tấn công đảo Guam bất kỳ lúc nào”. Trong ảnh: Các tàu hải quân tại căn cứ hải quân của Mỹ ở Guam. Ảnh: Reuters |
Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên được phóng ngày 15-9, rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido của Nhật Bản khoảng 2.000km. Động thái này làm căng thẳng càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ngày 3-9 vừa qua của Bình Nhưỡng.
Theo giới chức quân sự Hàn Quốc, tên lửa vừa được phóng có độ cao tối đa đạt 770km, bay 3.700 km, đủ xa để bao trùm đảo Guam (lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương), vốn chỉ cách CHDCND Triều Tiên 3.400km. Tầm bắn này được cho là “đáng kể”, tính từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố có thể phóng tên lửa đến đảo Guam. Báo The Telegraph cho rằng, vụ việc là một thông điệp rõ ràng của CHDCND Triều Tiên gửi đến Mỹ: “Chúng tôi có thể tấn công đảo Guam bất kỳ lúc nào”. Trước đó, ngày 29-8, Bình Nhưỡng cũng phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-12, bay được khoảng 2.700km qua lãnh thổ Nhật Bản.
Hãng AFP cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres chỉ trích vụ phóng mới nhất, nói rằng khủng hoảng này sẽ được đề cập bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới. Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhóm họp ngay vào chiều 15-9, giờ New York (tức sáng sớm 16-9, giờ Việt Nam) để thảo luận về vụ việc nói trên, theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản.
Vài ngày trước, HĐBA LHQ cũng đã nhóm họp, thông qua nghị quyết mới trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đó vẫn không ngăn cản được hành động của Bình Nhưỡng. Lần này, Mỹ cho rằng, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung và không đe dọa đến đảo Guam. Các quan chức Mỹ tái khẳng định cam kết “sắt thép” về việc bảo vệ các đồng minh. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi những giải pháp mới nhằm chống lại CHDCND Triều Tiên và nói rằng, “việc tiếp tục các hành động khiêu khích sẽ chỉ càng làm Bình Nhưỡng bị cô lập về ngoại giao và kinh tế”.
Thăm dò của Viện Gallup mới nhất cho thấy, đa số người Mỹ dường như sẵn sàng ủng hộ hành động quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên. 58% số người được hỏi bày tỏ rằng, họ sẽ ủng hộ hành động quân sự nếu các nỗ lực ngoại giao và kinh tế thất bại.
Đối với Hàn Quốc, quốc gia này dường như hết kiên nhẫn trước các vụ phóng tên lửa và hạt nhân liên tiếp của CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, việc đối thoại với nước láng giềng phía bắc trên bán đảo Triều Tiên là điều không thể trong thời điểm hiện tại. Ông ra lệnh các nhà chức trách phân tích và sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa mới từ Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích thậm chí cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng chẳng khác gì “giội gáo nước lạnh” vào những nỗ lực của Hàn Quốc trong vấn đề viện trợ và quan điểm ôn hòa của Tổng thống Moon Jae-in.
Trong lúc đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga mô tả vụ phóng tên lửa là hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng khu vực. Tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Suga nói rằng, Nhật Bản muốn hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để có nhiều biện pháp đáp trả khác nhau nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Tokyo và Seoul đều triệu tập khẩn cấp các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia.
Hãng Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao Yang Uk tại Diễn đàn An ninh và quốc phòng Hàn Quốc nhận định: “Tên lửa này (vừa được Triều Tiên phóng ngày 15-9) có nghĩa là Bình Nhưỡng đang thúc đẩy việc hoàn thành công nghệ tên lửa của mình và Bình Nhưỡng cảm nhận một số áp lực nên họ cần thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy một điều gì đó”. Một ngày trước đó, Bình Nhưỡng dọa sẽ nhấn chìm Nhật Bản, đồng thời biến Mỹ thành “tro bụi và tăm tối” vì hai nước này đã ủng hộ nghị quyết mới nhất của HĐBA LHQ. CHDCND Triều Tiên cáo buộc Mỹ, quốc gia đang có 28.500 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc, có kế hoạch xâm lược Bình Nhưỡng nên thường đe dọa tấn công Washington cũng như các đồng minh của cường quốc hàng đầu thế giới.
Sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa ngày 15-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ việc Bắc Kinh nắm giữ chìa khóa then chốt trong vấn đề làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo người phát ngôn này, đây là nhiệm vụ của các bên liên quan trực tiếp đến đàm phán 6 bên, đồng thời khẳng định quan điểm của Trung Quốc là việc trừng phạt chỉ có hiệu quả nếu kết hợp với đàm phán. |
PHÚC NGUYÊN